Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Tiếp tục đảm bảo hiệu quả tăng trưởng phát triển ổn định, bền vững

21/12/2020

Đây là kiến nghị của ông Trần Ngọc Thuận Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) về công tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021 2025 của VRG ngày 17/12/2020, tại TP. Hồ Chí Minh.


Nỗ lực vượt khó, tạo đà năm 2021 tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo của VRG, năm 2020, Tập đoàn đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị thuộc VRG ở khu vực miền Trung đã bị thiệt hại nặng nề. Những khó khăn khách quan này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Bảo Tổng Giám đốc VRG cho biết, dự kiến năm 2020, tổng doanh thu toàn tập đoàn là 23.032 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 4.955 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3.965 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ Tập đoàn, tổng doanh thu ước đạt 4.071 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.962 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 2.723 tỷ đồng.
Trên cơ sở nhận định và đánh giá những khó khăn và thuận lợi cùng với thách thức cũng như cơ hội, VRG đã đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện việc quản lý, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động trong toàn Tập đoàn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về kế hoạch sản lượng, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách. Tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển ổn định, bền vững, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Về chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021, để kế hoạch tăng trưởng chung của Tập đoàn năm 2021 cao hơn năm 2020 theo yêu cầu của Ủy ban, ngoài việc cân đối các nguồn thu và lợi nhuận từ lĩnh vực cao su, sản phẩm công nghiệp cao su, thủy điện, lĩnh vực gỗ…, Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên đặc biệt tiếp tục rà soát, tính toán và cân đối nguồn thu trong kế hoạch năm 2021. Phấn đấu kế hoạch hợp nhất toàn Tập đoàn có doanh thu và thu nhập khác khoảng 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng; doanh thu riêng công ty mẹ Tập đoàn 4.100 tỷ đồng và lợi nhuận riêng 2.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tập đoàn VRG đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-HĐQTCSVN ngày 12/10/2020 về việc tạm giao kế hoạch khối lượng năm 2021 cho các đơn vị thành viên với 5 lĩnh vực lớn.
-   Thứ nhất, về khu vực nông nghiệp, kế hoạch tái canh năm 2021 của toàn Tập đoàn với diện tích 7.198,73 ha; chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản là 121.534 ha; diện tích cao su khai thác 257.868 ha; tổng sản lượng là 379.265 tấn mủ quy khô.
-   Thứ hai, về diện tích đất cho thuê đối với lĩnh vực khu công nghiệp trong toàn Tập đoàn đạt 285 ha.
-   Thứ ba, về lĩnh vực công nghiệp cao su, găng tay cao su sản xuất và tiêu thụ đạt 2.409 triệu sản phẩm; băng tải cao su sản xuất và tiêu thụ đạt 175.000 m2; bóng các loại sản xuất và tiêu thụ đạt 950.000 quả; nệm, gối cao su sản xuất 56.800 cái và tiêu thụ 53.200 cái; chỉ sợi cao su, chỉ sợi cover sản xuất 3.490 tấn và tiêu thụ 3.426 tấn.
-   Thứ tư, chế biến gỗ bao gồm: Chế biến gỗ phôi 311.947 m3 (tiêu thụ 276.651 m3); gỗ ghép tấm 14.495 m3 (tiêu thụ 14.180 m3); gỗ tinh chế 10.410 m3 (tiêu thụ 10.410 m3); gỗ MDF 1.051.477 m3 (tiêu thụ 1.003.101 m3) và sản phẩm gỗ MFB 10.290 m3 (tiêu thụ 10.290 m3).
-   Thứ năm, thủy điện đạt sản lượng sản xuất và tiêu thụ là 461,112 triệu kwh.
Sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa
Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng 5 8% của Tập đoàn trong giai đoạn 2021 2025, ông Trần Ngọc Thuận Chủ tịch HĐQT VRG kiến nghị: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm xem xét, giải quyết việc quyết toán cổ phần hóa; bàn giao vốn và tài sản từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần. Đề nghị Ủy ban quan tâm, xem xét và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau cổ phần hóa.
Lãnh đạo VRG thông tin, cổ tức năm 2020 theo kế hoạch là 6% vốn điều lệ, tương đương với số tiền phải chi trả là 2.400 tỷ đồng; với mức lợi nhuận dự kiến đạt được, tập đoàn có đủ nguồn để thanh toán cổ tức cho các cổ đông như đã nêu trên. Tuy nhiên, những năm qua lợi nhuận tạo ra cơ bản chỉ dành để trả cổ tức, phần trích lập quỹ đầu tư phát triển rất thấp trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn rất lớn, nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (chỉ tính cho giá gốc khoản đầu tư) và nguồn vốn điều lệ hiện có không đáp ứng được yêu cầu cho đầu tư phát triển. “Tập đoàn đề nghị Ủy ban cho phép cân đối giảm một phần tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 để cân đối cho nguồn vốn đầu tư phát triển, mức chia cổ tức của năm 2020 là 5%, giảm 1%, tương đương 400 tỷ đồng” ông Trần Ngọc Thuận, kiến nghị.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệpphát biểu tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ông Nguyễn Ngọc Cảnh đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn trong sản xuất, kinh doanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao năm 2020. “Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn đối với nhiều lĩnh vực ngành nghề và đặc biệt ngành cao su bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ… Với tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết cao, VRG đã tháo gỡ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy tối đa các nguồn lực hiện có để tăng nguồn thu, tiết giảm tối đa chi tiêu trong đầu tư và kinh doanh để đạt được hiệu quả cao nhất, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, người lao động… VRG là 1 trong 12 tập đoàn hoạt động có lãi trực thuộc Ủy ban trong năm 2020” ông Nguyễn Ngọc Cảnh chỉ ra.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị VRG phối hợp các vụ chuyên môn trực thuộc Ủy ban cần đẩy nhanh tiến độ, sớm thực hiện quyết toán cổ phần hóa; bàn giao vốn và tài sản từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần. Về đề án tái cơ cấu của Tập đoàn, giao Vụ Nông nghiệp trực tiếp là đầu mối hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn sau cổ phần hóa để Thủ tướng phê duyệt theo quy định. Theo cơ chế, Ủy ban đồng ý với đề xuất của tập đoàn, giảm một phần tỷ lệ chia cổ tức năm 2020 để cân đối cho nguồn vốn đầu tư phát triển theo tình hình thực tế. “Trong giai đoạn 2021 2025, Tập đoàn cần tiếp tục bám sát và thực hiện theo chủ trương, kế hoạch của Chính phủ và Ủy ban. Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng. Tiếp tục phát huy bề dày truyền thống, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Ủy ban sẽ sát cánh, đồng hành hỗ trợ tập đoàn, là cầu nối với Chính phủ, Bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để tập đoàn đảm bảo hiệu quả tăng trưởng theo kế hoạch Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>