Tin tức >> Tin cao su trong nước

Thời cơ của ngành cao su

26/08/2019

Ngày 30/6/2019, Việt Nam ký cùng lúc 2 hiệp định quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (Euro Vietnam Free Trade Agreement, EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (Investment Protection Agreement, IPA) tiến tới việc xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của ngành cao su vào EU. Tạp chí Cao su Việt Nam ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trong ngành về vấn đề này. 


Sản phẩm mủ cao su chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: CTV
Ông Đỗ Minh Tuấn – Tổng Giám đốc (TGĐ) Tổng công ty (TCT) Cao su Đồng Nai: “Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức”
Hai hiệp định này đã tạo nên cú hích đối với nền kinh tế Việt Nam trong khía cạnh xuất khẩu và đầu tư. Đối với ngành cao su nói chung và TCT Cao su Đồng Nai nói riêng thì đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức. Hiện nay, đã có nhiều sản phẩm của ngành cao su như mủ, gỗ đã có mặt tại thị trường châu Âu. Đây là một thị trường khó tính với những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, chứng nhận bền vững, chuỗi sản xuất khép kín… đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng, tỉ mẩn sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Riêng đối với TCT Cao su Đồng Nai, hòa vào xu thế chung phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), TCT đang triển khai các thủ tục để được chứng nhận FSC. Chúng tôi nhận định rằng, đây là một bước đi cần thiết và buộc phải thực hiện nếu không muốn bị tụt hậu. TCT đã thành lập Tổ phát triển bền vững để thực hiện việc này. Ngoài việc được tạo điều kiện trong xuất khẩu các sản phẩm mủ, gỗ cao su ra thị trường như Hiệp định thương mại tự do nêu rõ thì Hiệp định bảo hộ đầu tư cũng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động tại Việt Nam. Đối với các khu công nghiệp (KCN) mà TCT có góp vốn, tôi tin tưởng rằng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng đến đầu tư tại các KCN này.
Ông Trần Thanh Phụng – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng: “Khẩn trương để đạt được chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho sản phẩm gỗ”
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu mở ra nhiều thuận lợi cho các sản phẩm đồ gỗ. Về mặt thuế quan, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu tiến tới việc xóa bỏ gần 99% thuế quan giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vào thị trường Liên minh châu Âu cần phải có chứng chỉ của tổ chức FSC về các loại chứng nhận FSC-FM (quản lý rừng), FSC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm) và FSC-CW (nguồn gỗ có kiểm soát FSC) hoặc chứng chỉ tương đương FSC mà Cao su Phú Riềng đang trong lộ trình thực hiện là VFCS/PEFC-FM (quản lý rừng) và VFCS/PEFC-CoC (chuỗi hành trình sản phẩm). Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, trong thời gian qua, Cao su Phú Riềng tích cực thực hiện lộ trình để được cấp chứng chỉ FSC và VFCS. Vừa rồi, chúng tôi có dự hội thảo và làm việc với Tập đoàn IKEA (Thụy Điển) và nhận thấy rằng nếu chúng ta có chứng chỉ FSC thì có thể xuất khẩu gỗ cho Tập đoàn này với giá gấp 4 lần so với bán cho các đơn vị khác. Hơn nữa, IKEA có thể bao tiêu toàn bộ gỗ cao su có chứng chỉ FSC với tính ổn định.
Ông Trần Hoàng Long – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long: “Phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu”
Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển. Việc ký kết này có ý nghĩa đặc biệt đối với nền kinh tế nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường châu Âu và thu hút, mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Đối với ngành cao su cũng có nhiều điều kiện để sản phẩm của VRG, các đơn vị thành viên có mặt ở những thị trường mới, tiềm năng, tạo đà để thúc đẩy ngành và đơn vị phát triển.
Tuy nhiên, thời cơ cũng đi kèm với những thách thức, hàng rào thuế quan giảm xuống thì hàng rào kỹ thuật sẽ tăng lên, đòi hỏi cao về những yêu cầu, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, đó là điều tất yếu. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải tự đổi mới, có những bước chuyển mình phù hợp với đà phát triển chung. Đối với Cao su Bình Long, Công ty đã và đang triển khai thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và chuỗi hành trình sản phẩm CoC để đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, có uy tín trong kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và môi trường. Trong thời gian sắp tới, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng tốt mối quan hệ khách hàng truyền thống, đồng thời tích cực trong công tác quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường mới và tăng tỷ lệ xuất khẩu hơn nữa.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh: “Chứng chỉ bền vững là tấm vé thông hành”
Cao su Lộc Ninh xuất khẩu sản phẩm mủ RSS sang thị trường châu Âu, cụ thể là Tập đoàn lốp xe Michelin (Pháp), với thuế suất 0%. Tôi thấy rằng, xu hướng phát triển bền vững đang dần trở thành một phần tất yếu đối với các doanh nghiệp cao su. Đặc biệt, thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác đòi hỏi sản phẩm phải có chứng chỉ FSC hoặc tương đương. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu gỗ và lâm sản, nhưng cũng kèm theo những thách thức. Vì vậy, chứng nhận FSC hoặc VFCS/ PEFC được xem là tấm vé thông hành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản để khai báo bán hàng cho việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững VRG: “Triển vọng cho ngành gỗ”
Hiện tại, ngành cao su Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 12% trong tổng sản phẩm cao su thiên nhiên (CSTN) vào thị trường châu Âu, với thuế suất 0%. Và lượng xuất khẩu CSTN vào thị trường này chỉ dừng lại ở mức như vậy, bởi các nguyên nhân sau đây: thị trường châu Âu bão hòa và các hãng lốp xe lớn trên thế giới đều chuyển nhà máy sản xuất sang Trung Quốc (công xưởng của thế giới). Trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hơn 65% sản phẩm CSTN của Việt Nam. Và sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Chính vì vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu đối với ngành cao su Việt Nam không mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu CSTN vào thị trường này. Nhưng sẽ có nhiều triển vọng cho ngành gỗ. Đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu được mở toang cánh cửa về thuế quan, thị trường đang đứng thứ 3 của Việt Nam về đồ gỗ xuất khẩu. Trong năm 2020 sắp tới dự kiến sẽ có nhiều đột phá và biến chuyển về kim ngạch xuất khẩu, số lượng và tính đa dạng sản phẩm, hàng hóa.

Tuệ Linh – Hà Khuê (Thực hiện), nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/thoi-co-cua-nganh-cao-su.html, ngày 20/8/2019 (TH trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>