Tin tức >> Tin cao su trong nước

Tin tưởng chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ thành công

19/08/2019

Các nội dung và hoạt động của Chương trình đề ra trong giai đoạn 2019 – 2024 dựa trên những dự tính, dự báo xu hướng phát triển, cũng như nguồn lực của Tập đoàn, do đó sẽ tạo tiền đề tốt cho các giai đoạn tiếp theo. Với sự chuẩn bị rất tốt đó, tôi tin tưởng vào sự thành công của Chương trình. Đó là quan điểm của Tiến sĩ Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Cao su Việt Nam.


Tiến sĩ Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh phát biểu tại Lễ công bố chương trình phát triển bền vững của VRG. Ảnh: Vũ Phong
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về cam kết phát triển bền vững của VRG?
Tiến sĩ Trần Lâm Đồng: Phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN) được hiểu phải đảm bảo có sự phát triển hiệu quả về kinh tế, tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái. VRG là một DN lớn, với nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh trên phạm vi rộng khắp cả trong và ngoài nước, do đó có nhiều tác động đến cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Như vậy, cam kết phát triển bền vững của Tập đoàn sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho Tập đoàn mà còn có nhiều tác động tích cực đến xã hội và môi trường trên phạm vi rộng lớn.
Các mục tiêu mà Chương trình phát triển bền vững giai đoạn 2019 – 2024 đặt ra bao gồm phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường là hoàn toàn đúng đắn. Nội dung của Chương trình thể hiện rõ quyết tâm thực hiện được các mục tiêu trên, trong đó chú trọng sự gắn kết mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn với mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đảm bảo sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế, thân thiện với môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội và cộng đồng dân cư. 10 hoạt động của Chương trình đề ra sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2024 hoàn toàn đúng đắn, có tính khả thi cao.
Phát triển bền vững là một quá trình lâu dài và luôn sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp với các giai đoạn phát triển của xã hội. Các nội dung và hoạt động của Chương trình đã đề ra trong giai đoạn 2019 – 2024 dựa trên những dự tính, dự báo xu hướng phát triển, cũng như nguồn lực của Tập đoàn, do đó sẽ tạo tiền đề tốt cho các giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, việc Tập đoàn ký kết Quy chế phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững như một cam kết lớn đóng góp cho mục tiêu quốc gia về phát triển lâm nghiệp bền vững. Với sự chuẩn bị rất tốt trước đó, tôi tin tưởng vào sự thành công của Chương trình.
- Xin ông đánh giá vai trò của cây cao su trong việc bảo vệ môi trường, phát triển rừng và sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho cây cao su?
Tiến sĩ Trần Lâm Đồng: Cây cao su là một loài cây nhập ngoại, được gây trồng ở Việt Nam hàng trăm năm nay, đã và đang có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trước đây cây cao su được coi là cây công nghiệp, được trồng với mục tiêu lấy mủ là chủ yếu. Từ năm 2008, Bộ NN & PTNT đã cho thực hiện một số đánh giá nhằm nhìn nhận đúng vai trò của cây cao su đối với các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Từ các kết quả đánh giá đó, Bộ đã ban hành quyết định công nhận cây cao su là một loài cây trồng đa mục đích, có thể sử dụng cho cả mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Như vậy, cây cao su có thể trồng trên đất lâm nghiệp cho mục tiêu lấy gỗ và mủ.
Cao su là loài cây sinh trưởng khá nhanh nên có tác dụng phủ xanh nhanh chóng và khả năng hấp thụ các – bon lớn. Hơn nữa, chu kỳ khai thác rừng cao su khoảng 25 năm, dài gấp 3 – 4 lần so với các loài cây lâm nghiệp phổ biến hiện nay. Do đó, chu kỳ các – bon của rừng cao su dài hơn nhiều so với rừng keo và bạch đàn. Chu kỳ dài cũng hạn chế tác động tới đất, nước và môi trường từ các hoạt động trồng lại rừng sau khai thác.
Cây cao su đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Ảnh: Ng.Cường
Tuy nhiên, vai trò của cây trồng trong việc bảo vệ môi trường đến đâu và như thế nào là do cách con người quản lý và sử dụng chúng. Vì vậy, để phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường tốt nhất, không chỉ với cây cao su mà kể cả các loài cây trồng lâm nghiệp khác, việc xem xét một cách đúng đắn cách thức quản lý rừng trồng hướng tới hạn chế tác động tiêu cực và phát huy tác động tích cực của chúng tới môi trường là cần thiết. Các tác động tới môi trường từ quản lý rừng trồng có thể xảy ra ở hầu hết các khâu kỹ thuật từ trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng đến khai thác rừng.
Các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị hiện trường để trồng rừng như đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác, cày xới đất, nhổ gốc cây có thể gây mất chất hữu cơ và dinh dưỡng đất, gây xói mòn đất, suy giảm vi sinh vật đất, từ đó ảnh hưởng tới tính chất hóa học và vật lý của đất, dẫn đến độ phì đất suy giảm. Việc sử dụng phân bón hóa học và hóa chất như thuốc diệt cỏ hay thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý cũng dẫn đến suy thoái đất. Các biện pháp kỹ thuật khai thác không hợp lý cũng có tác động nhiều tới đất và môi trường. Việc trồng rừng độc canh một loài cây trồng trên quy mô lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sinh thái và phá vỡ cảnh quan. Cao su và các loài cây trồng lâm nghiệp phổ biến hiện nay chủ yếu được trồng theo hình thức này. Do đó, việc xem xét điều chỉnh các biện pháp quản lý rừng theo hướng bền vững là rất cần thiết.
Mục tiêu quản lý rừng bền vững đã được đặt ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Luật Lâm nghiệp 2017 đã có quy định các chủ rừng phải thực hiện quản lý rừng bền vững. Chứng chỉ rừng được coi như một công cụ để đánh giá việc quản lý rừng bền vững của chủ rừng. Trên thế giới đã có một số tổ chức chứng chỉ rừng có uy tín như FSC và PEFC. Chứng chỉ rừng đã được các tổ chức này sử dụng để tạo lòng tin đối với khách hàng và người tiêu dùng các sản phẩm từ rừng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mặc dù tiếp cận với các tổ chức này từ rất sớm, khoảng 20 năm, nhưng việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam vẫn diễn ra rất chậm. Cho tới nay cả nước mới chỉ có khoảng 230 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ trên tổng số khoảng 7,7 triệu ha rừng sản xuất. Nhận thấy vấn đề đó, Bộ NN & PTNT đang xây dựng hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (gọi tắt là VFCS).
Hệ thống VFCS được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, đồng thời hợp tác với tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế PEFC để các sản phẩm được cấp chứng chỉ rừng của VFCS được PEFC cấp chứng chỉ và được thị trường thế giới công nhận. Do đó, việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho cao su không chỉ góp phần phát huy tác dụng bảo vệ môi trường, sinh thái mà còn mở rộng thị trường cho sản phẩm mủ và gỗ cao su trên thế giới.
- Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Huỳnh (thực hiện), nguồn: http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-nganh/tin-tuong-chuong-trinh-phat-trien-ben-vung-cua-vrg-se-thanh-cong.html, ngày 12/8/2019 (TH trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>