Tin tức >> Tin cao su trong nước

Xuất khẩu cao su tăng ngoạn mục nhưng đừng chủ quan

02/10/2017

 Sau giai đoạn khủng hoảng 2012 – 2016, từ nửa cuối năm 2016 đến nay, xuất khẩu (XK) cao su ghi nhận những tín hiệu khá tích cực khi lượng cũng như giá trị XK tăng mạnh.


 Tuy nhiên, sự khởi sắc này được nhìn nhận không ổn định, đặt ra yêu cầu doanh nghiệp (DN) XK phải theo sát thị trường, có những giải pháp ứng phó phù hợp.

Cung – cầu dần cân đối             
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính tới hết tháng 8, khối lượng cao su XK ước đạt 805,9 nghìn tấn với giá trị đạt 1,38 tỷ USD, lần lượt tăng 12,8% về khối lượng và tăng tới 54,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đáng chú ý, giá XK cao su bình quân 8 tháng đầu năm cũng ghi nhận sự gia tăng khá mạnh tới hơn 36,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 1.716 USD/tấn. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 6% và 4,1%.
Vì sao sau nhiều năm kim ngạch XK, đặc biệt là giá XK liên tục “tuột dốc”, thậm chí có lúc chạm đáy, hiện XK cao su lại có bước “chuyển mình” đáng kể đến vậy?
Một số chuyên gia am hiểu sâu về ngành cao su phân tích: Nhu cầu tiêu thụ trên thị trường cao su thế giới những năm qua vẫn luôn tăng trưởng đi lên. Trước đây, khi ngành cao su ở thời kỳ hoàng kim, giá cao su tăng cao, thậm chí cao su còn được coi là mặt hàng “vàng trắng” đem lại lợi nhuận lớn khiến cho việc trồng cao su phát triển rầm rộ. Không chỉ ở Việt Nam, tình trạng này diễn ra tại nhiều quốc gia vốn là nguồn cung cao su chủ lực cho thị trường thế giới như Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Philippines… Hậu quả là, nguồn cung tăng đột biến, vượt cầu khá nhiều, dẫn tới việc kéo giá xuống. DN, người dân trồng cao su đều lao đao.
Giai đoạn 2012 – 2016, ngành cao su liên tục rơi vào cảnh ảm đạm. Trái ngược với tình trạng “nhà nhà trồng cao su”, giai đoạn này nhiều diện tích cao su đã trồng bị người dân “bỏ rơi” không khai thác mủ. Đáng chú ý, có những diện tích cao su bị phá bỏ hoàn toàn để thay thế bằng cây trồng khác. Kết quả là cung – cầu trên thị trường cao su dần cân đối, giá nhích lên với những tín hiệu khả quan.
Từ nay đến hết năm 2017 và ở tương lai xa hơn, dự báo thị trường cao su thế giới vẫn giữ “gam màu” tươi sáng. Tuy nhiên, một số DN trong ngành cao su nhận định, không có chuyện giá cao su liên tục tăng lên mà sẽ có lúc tăng, lúc giảm. Sự khởi sắc của ngành cao su thiếu ổn định, có thể có những biến động trong ngắn hạn mà DN cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
Kiểm soát chặt nguồn cung
Với đà XK hiện tại, dự báo cả năm nay XK cao su sẽ đạt trên 1,3 triệu tấn với giá trị trên 2,3 tỷ USD. Giá cao su trong tương lai sẽ khó xảy ra tình trạng “chạm đáy” như giai đoạn ảm đạm trước đó.
Dễ thấy, trong câu chuyện của ngành cao su, yếu tố mấu chốt quan trọng nhất chính là làm sao để kiểm soát nguồn cung hiệu quả. Đây cũng chính là vấn đề mà các nước trồng, XK cao su hàng đầu thế giới cùng nhau bàn tính.
Nếu coi thị trường cao su thế giới là một “chiếc bánh” lớn thì hiện Việt Nam đang nằm trong “top” 3 khi chiếm trên 10% thị phần, Thái Lan và Indonesia mỗi nước chiếm giữ 25 – 40% thị phần và Malaysia khoảng 10%, còn lại là các quốc gia khác. Hiện hầu như toàn bộ các nguồn cung cao su lớn kể trên đều đã tuyên bố không hoặc hạn chế trồng mới thêm diện tích cao su nhằm tránh nguồn cung tăng hơn nhu cầu, đẩy cả thị trường chung vào khó khăn. Không chỉ vậy, Thái Lan, Indonesia và Malaysia còn “bắt tay” nhau thành lập Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) để theo dõi, kiểm soát thị trường tốt hơn.
Thanh Nguyễn, trích nguồn: http://www.baohaiquan.vn/Pages/Xuat-khau-cao-su-tang-ngoan-muc-nhung-dung-chu-quan.aspx, ngày 24/9/2017 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>