Tin tức >> Tin cao su trong nước

Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản quý I: Bội thu kim ngạch

17/04/2017

Mặc dù khối lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng không tăng, thậm chí còn giảm nhưng giá bán cao đã giúp kim ngạch của nhóm các mặt hàng nông – lâm – thủy sản có một quý bội thu.


 

Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản quý I: Bội thu kim ngạch (Ảnh minh họa)
Theo thống kê Hải quan, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đạt 7,4 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. So với ước tính 7,6 tỷ USD của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), con số này chênh lệch không quá lớn.

 

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản tăng 8% lên 1,5 tỷ USD; lâm sản tăng 17% lên hơn 1,7 tỷ USD; nông sản tăng hơn 10% lên 3,3 tỷ USD.
Số liệu: Thống kê Hải quan. Biểu đồ: Hồng Vũ
Đáng chú ý, trong các mặt hàng nông sản, trừ mặt hàng gạo và hồ tiêu có kim ngạch sụt giảm thì các mặt hàng khác như cà phê, điều, đều tăng trưởng khả quan.
Điển hình là mặt hàng cao su. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng tới 91% về kim ngạch lên 511 triệu USD, mặc dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 7% lên 250 nghìn tấn. Nguyên nhân là, giá cao su SVR 3L sơ chế đóng bánh loại I tính đến cuối tháng 3 tăng 3% so với đầu tháng, trong khi các sản phẩm còn lại có giá ổn định, theo Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, Bộ dự báo trong những tuần tới, sản lượng và giá cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su chính của Việt Nam, qua cửa khẩu phía Bắc có thể giảm nhẹ do cây cao su đang trong giai đoạn cho năng suất thấp và áp lực giảm giá của thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cà phê lọt vào top "mặt hàng tỷ đô" nhờ giá xuất khẩu tăng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong quý I tăng 28% lên hơn 1 tỷ USD dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 4%.
Theo thống kê từ Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (CBNLTS&NM), cuối tháng 3, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 300 – 400 đồng lên 46.300 – 46.900 đồng/kg. Cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng TP HCM cũng tăng 37 USD lên 2.071 USD/tấn.
Cũng theo xu hướng chung của các mặt hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu điều tăng 17% lên 515 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu chè tăng lần lượt 20% và 13% về cả lượng và kim ngạch.
Ngược lại, xuất khẩu gạo vẫn chưa thể phục hồi khi giảm 18% xuống 1,3 triệu tấn, tương đương kim ngạch giảm 17% xuống 565 triệu USD.
Theo CBNLTS&NM, vào những ngày cuối tháng 3, giá xuất khẩu gạo 5% tấm giảm xuống còn 348 – 350 USD/tấn. Giá gạo tuy giảm song các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không bán được gạo do cạnh tranh bởi Thái Lan.
Hiện nay, thị trường gạo nội địa đang chờ đợi hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines. Tuy nhiên, vừa qua Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cho biết nước này không vội nhập khẩu 250.000 tấn gạo.
Tương tự ngành gạo, khối lượng xuất khẩu tiêu trong quý I tăng 17% song do giá xuống thấp nên kim ngạch chỉ đạt 324 triệu USD, giảm gần 12%.
Tính đến ngày 30/3, giá tiêu đen nguyên liệu tại các vùng nguyên liệu Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Nai đã tăng 2.000 đồng lên 106.000 – 109.000 đồng/kg. Đại diện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hồ tiêu nhận định, trong bối cảnh diện tích hồ tiêu tăng đột biến, nguồn cung tiêu trong nước và thế giới khá dồi dào như hiện nay thì việc giá hồ tiêu cao bằng năm trước là điều khó có thể xảy ra. Tuy vậy, khi niên vụ thu hoạch hồ tiêu kết thúc, giá hồ tiêu quý II được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 115.000 - 120.000 đồng/kg.
Thống kê Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý I tăng 8% lên 1,5 tỷ USD. Có được kết quả này là nhờ giá cá tra và giá tôm nguyên liệu tăng mạnh do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu thu mua của các nhà chế biến tăng cao.
Cụ thể, thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, đến cuối tháng 3, giá cá tra tăng khoảng 1.000 đồng so với tháng trước, lên 24.000 - 26.500 đồng/kg tùy loại. Giá tôm nguyên liệu tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg, lên mức cao nhất là 330.000 đồng/kg tùy loại.
Nguồn: Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối
Trong quý I, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, điển hình là Brazil với mức tăng hơn 60%, Hà Lan (hơn 55%), và Canada (hơn 24%).
Đối với xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, kim ngạch xuất khẩu tăng 17% lên hơn 1,7 tỷ USD. Trong quý I, ba nước chính nhập khẩu gỗ Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Hồng Vũ, nguồn: http://vietnambiz.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-quy-i-boi-thu-kim-ngach-18838.html, ngày 13/4/2017 (HB trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>