Tin tức >> Tin cao su trong nước

Yếu tố nào giúp doanh nghiệp cao su hưởng lợi kép?

24/01/2022

Sự đi lên của ngành cao su, nhất là về xuất khẩu trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế.


Trước dự báo tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su có thể tiếp diễn trong năm 2022, cũng như cao su thế giới bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung giảm dần đang mở ra bức tranh lạc quan cho các doanh nghiệp cao su trong nước nhờ hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.

Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng duy trì dự báo sẽ có tình trạng thiếu hụt cao su thiên nhiên trung bình trong trung hạn. Bởi, năm 2021, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới chỉ đạt khoảng 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, thấp hơn so với khảo sát nhu cầu 9% trước đó. Trên cơ sở này, ANPRC cho rằng, việc mở rộng diện tích cao su trưởng thành dự kiến sẽ được hấp thụ phần lớn bởi nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn này, góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Ở góc độ phân tích của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, sự đi lên của ngành cao su, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế. Giá dầu tăng mạnh khiến giá cao su tổng hợp cao, là động lực để giá cao su thiên nhiên xuất khẩu giữ ở mức cao. Cùng với đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp và phục hồi ở săm lốp ô tô, gỗ cao su làm nội thất tại các thị trường xuất khẩu cũng sẽ làm tăng giá cao su và thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su. Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác, đưa vào sản xuất và thương mại. Từ đó, giúp gia tăng giá trị chuỗi khai thác cao su, hướng đến phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.
Các doanh nghiệp cao su hướng tới áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Thanh Thủy – TTXVN
Báo cáo kết quả kinh doanh gần nhất của Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk còn chứng kiến sự vượt trội về doanh thu 9 tháng năm 2021 với 61,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 10 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo công ty, thông thường quý IV sẽ có sản lượng cao su khai thác cao nhất, chiếm gần 40% sản lượng cả năm. Điều này sẽ giúp công ty duy trì được đà tăng trưởng cao trong 3 quý đầu năm, cũng như được kết quả kinh doanh vượt trội trong cả năm 2021.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 14/01, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP có thị giá 35.700 đồng, cổ phiếu DRI của Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk có thị giá 16.000 đồng, cổ phiếu PHR của Công ty CP Cao su Phước Hòa có thị giá 79.400 đồng. Nhóm cổ phiếu này có mức tăng trưởng trung bình gần 20% so với cách đây 1 năm và đây là nhóm cổ phiếu đang được các công ty chứng khoán đưa vào danh mục quan sát mua hoặc khuyến nghị tích cực trong thời gian tới.
Diệp Anh, nguồn: https://bnews.vn/yeu-to-nao-giup-doanh-nghiep-cao-su-huong-loi-kep/229096.html, ngày 17/01/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>