Tin tức

Xu hướng sản xuất trung hòa các-bon

05/06/2023

Thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải các-bon... là xu hướng của các doanh nghiệp (DN) trên thế giới.
 


DN sữa đầu tiên được cấp chứng chỉ trung hòa các-bon
Lần đầu tiên một nhà máy sữa và một trang trại bò sữa tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ trung hòa các-bon, nghĩa là lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất cũng tương đương với lượng CO2 được đơn vị hấp thụ ngược trở lại. Xu hướng sản xuất xanh này cũng là nhân tố cốt lõi để hướng đến mục tiêu mà Chính phủ đề ra là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hay còn gọi là Net Zero. Hệ thống thu hồi nhiệt, tận dụng năng lượng sinh khối, bổ sung điện mặt trời hay đốt khí metan khi xử lý nước thải… các giải pháp đồng bộ được cập nhật thường xuyên giúp nhà máy sữa Vinamilk cứ mỗi năm lại tiết giảm được thêm khí phát thải. Vinamilk cũng chính thức công bố lộ trình cắt giảm khí nhà kính: Giảm 15% vào năm 2027, giảm 55% vào năm 2035 và cắt giảm toàn bộ vào năm 2050.
Ông Ngô Công Thắng – Giám đốc Nhà máy Sữa Nghệ An, Vinamilk cho biết: “Năm 2023 sẽ giảm phát thải hơn 200 tấn khí các-bon ra môi trường so với 2022. Năng lượng mặt trời đóng góp 20% điện năng tiêu thụ và kế hoạch 5 năm tới đóng góp 50%’’. Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành Khối Sản xuất, Trưởng dự án Net Zero, Vinamilk nói: “Dự kiến trong 5 năm tới chúng tôi trồng được 2 -3 triệu cây xanh. Có 20 ha rừng ở Cà Mau sẽ triển khai trồng cây mắm. Cây mắm hấp thụ CO2 rất tốt. Ngoài tán cây hấp thụ CO2 thì rễ hấp thụ CO2 cũng rất tốt’’.
Việc DN Việt Nam đầu tiên được Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc cấp chứng nhận trung hoà các-bon có ý nghĩa rất quan trọng. Tính ra tổng lượng CO2 mà DN trung hoà lên tới hơn 17.500 tấn, tương đương với việc trồng mới 1,7 triệu cây xanh. “Đây là sự khởi đầu và mong muốn các đơn vị khác áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để trung hoà các-bon, coi như mình góp phần với Chính phủ Việt Nam trên con đường đi tới Net Zero 2050’’, bà Nguyễn Đình Minh Tâm – Giám đốc Kỹ thuật & Tuân thủ, BSI Việt Nam cho hay.
Bà Lưu Thị Mai Hương – Giám đốc Chứng nhận, Bureau Veritas nói: “Những thị trường khó tính như là thị trường Hoa Kỳ, họ đều có yêu cầu đối với nhà cung cấp. Tuy nhiên, bây giờ có một tín hiệu đáng mừng là các DN Việt Nam cũng xung phong để làm các tiêu chuẩn bền vững này vì nó là xu thế’’. Từ nay đến năm 2050, Việt Nam cũng không còn nhiều thời gian để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Do do, việc có thêm các DN, các dự án lớn từ trong và ngoài nước hỗ trợ cho tăng trưởng xanh là thực sự cần thiết.
Nhà máy trung hoà các-bon sẽ là tiêu chí để chọn lọc dòng vốn FDI
Theo một số đơn vị tư vấn, hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có vài chục đơn vị đã đăng ký thực hiện kiểm đếm và tính toán lượng khí thải các-bon ra môi trường. Còn nếu được chứng nhận là trung hoà các-bon, mới chỉ ghi nhận có 2 đơn vị được cấp chứng nhận này bao gồm Vinamilk và một DN FDI. Quy mô hơn, tới đây sẽ có dự án 1 tỷ USD của Lego, đầu tư cho nhà máy trung hoà các-bon đầu tiên của họ, dự kiến sẽ hoạt động ngay vào năm tới. Như vậy, sẽ có thêm cơ sở để khẳng định rằng nhà máy trung hoà các-bon nói riêng và sản xuất xanh nói chung sẽ là một trong những tiêu chí để chọn lọc dòng vốn FDI thời gian tới. Ông Preben Elnef – Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam cho biết: “Từ bàn tay của con người Việt Nam, vùng đất này sẽ chuyển thành một nhà máy có quy mô tương đương khoảng 60 sân bóng đá nhưng chạy hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo. Những tấm năng lượng mặt trời có thể thấy ở khắp nơi, từ bãi đỗ xe cho tới nóc các khu nhà và đặc biệt ở bên kia là một trang trại năng lượng mặt trời với công suất 50 MW. Máy móc sử dụng trong sản xuất đều là máy công nghệ cao nhưng giảm tối đa điện năng sử dụng trên mỗi viên lego được sản xuất. Ngoài ra khi xây nhà máy thì cũng nhiều cây cối đã bị chặt bỏ và chúng tôi đã cam kết trồng lại nhiều hơn thế, khoảng 50.000 cây xanh”.
Kinh nghiệm quốc tế về sản xuất trung hoà các-bon
Dù là một xu hướng tất yếu, nhưng để đạt được sản xuất trung hoà các-bon không hề đơn giản. Từ vốn đầu tư công nghệ sản xuất, năng lượng tái tạo, hay trồng cây, tới sự quyết tâm của lãnh đạo các DN. Quan trọng hơn cả, trung hoà các-bon sẽ càng dễ thực hiện hơn nếu có càng nhiều DN cùng tham gia. Có thể lấy Vinamilk làm ví dụ, nếu điện tái tạo được phát triển rộng rãi đúng như quy hoạch điện VIII thì nguồn điện DN dùng cũng sẽ được tính là giảm thải các-bon và cộng dồn vào mục tiêu Net Zero của DN. Nhìn rộng hơn, nếu một đơn vị cung ứng cũng đạt chuẩn trung hoà các-bon, bản thân chính DN thu mua ở đầu chuỗi cũng sẽ tiến gần hơn tới Net Zero.
Không chỉ tại Việt Nam, mà trên toàn cầu, một mạng lưới DN trung hoà các-bon gắn kết với nhau sẽ giúp đẩy nhanh cuộc chạy đua về 0 này. Tại một nhà máy điện tử của Nhật Bản, robot vận chuyển máy móc dùng thay thế con người. Càng ít người thì cần càng ít điện để vận hành phòng sạch – đây là khu vực cần nhiều năng lượng để lọc bụi và hạn chế tối đa nhiễm khuẩn. Sử dụng máy móc hiện đại rút ngắn thời gian thực hiện còn 1/10 so với trước đây. Hệ thống máy tính giám sát đảm bảo không sử dụng điện dư thừa. Mái hiên được làm rộng ra để che bớt ánh nắng mặt trời, hạn chế năng lượng sử dụng cho điều hoà. Tất cả sáng kiến này đều phục vụ mục tiêu trung hòa các-bon.
Ông Yanno Manabu – Giám đốc điều hành của Nano-Technology Solution Business Group, Hitachi High-Tech Corporation cho biết: “Các khách hàng của chúng tôi có những tiêu chuẩn rất cao về môi trường. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì chúng tôi không có được niềm tin của họ’’. Nhà máy điện tử của Nhật Bản này còn lắp đặt hệ thống pin mặt trời diện tích 6.000 m2, cung cấp gần 1/3 năng lượng cần cho sản xuất. Dùng năng lượng tái tạo từ mặt trời cũng là sáng kiến của nhiều nhà máy trung hòa các-bon trên thế giới. Đặc biệt, tại Đức, họ còn áp dụng công nghệ để tối ưu hóa nguồn năng lượng sạch này.
“Phần mềm quản lý sản xuất cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho chúng tôi, cho biết nguồn năng lượng tái tạo đang sẵn có là bao nhiêu và ước tính phần năng lượng cần dùng để sản xuất theo số lượng đơn đặt hàng tại thời điểm đó’’, ông Daniel Losinger – Quản lý tại Alois Müller GmbH cho biết. “Ngay bây giờ chúng ta có thể bắt đầu cắt laser và 2 tiếng nữa thì tiến hành phun sơn’’, một nhân viên nói. Như vậy, kế hoạch sản xuất của họ không cố định mà linh hoạt theo từng ca. Ví dụ lúc ít nắng, họ sẽ làm công việc cần ít năng lượng và ngược lại khi nhiều nắng họ sẽ tiến hành phần việc tiêu tốn nhiều năng lượng.
Sản xuất trung hoà các-bon tới đây sẽ không chỉ còn là xu hướng,
mà là bắt buộc. Ảnh minh họa.
Ước tính đã có hàng trăm công ty tại Hoa Kỳ cũng đã đặt mục tiêu trung hòa các-bon. Đây chính là một chìa khóa quan trọng để các nước trên thế giới thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 của mình. Đến năm 2030, Hoa Kỳ dự kiến cắt giảm được 50% lượng phát thải khí nhà kính còn châu Âu là giảm 40%, trước khi đạt Net Zero vào 2050. Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay, theo Nghị định 06, các DN sản xuất theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Sau đó, giai đoạn từ 2026 – 2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các DN. Mỗi DN sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Tuy nhiên, nếu phát thải quá mức, DN vẫn còn lựa chọn mua tín chỉ các-bon khi dự kiến tới 2025 Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ các-bon, trước khi đi vào vận hành chính thức vào năm 2028. Với hành lang pháp lý như vậy, sản xuất trung hoà các-bon tới đây sẽ không chỉ còn là xu hướng, mà là bắt buộc.

VTV Digital, nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/xu-huong-san-xuat-trung-hoa-carbon-20230602051238436.htm, ngày 02/6/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>