Thông tin hội viên

VRG: Sản xuất nông nghiệp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế những tháng cuối năm 2021

09/08/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý kỹ thuật (QLKT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã đề xuất nhiều giải pháp để các đơn vị linh hoạt áp dụng tại đơn vị trong trường hợp thiếu lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo VRG thường xuyên có những chỉ đạo kịp thời để các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).


Dự kiến sản lượng khai thác vượt 3 – 4%

Với tinh thần chủ động phòng chống những tác động tiêu cực của thời tiết, các đơn vị trong toàn VRG đã thực hiện tốt công tác phòng chống cháy trong mùa khô để tổ chức sản xuất. Chủ động và thực hiện đạt hiệu quả cao trong công tác phun phòng bệnh phấn trắng. Điều kiện thời tiết trong giai đoạn đầu mùa tương đối thuận lợi cho công tác sản xuất nông nghiệp, hầu hết các vườn cây đã đưa vào thu hoạch mủ từ tháng 4/2021 và đến giữa tháng 5 khu vực Campuchia cũng đã mở cạo – thu hoạch mủ. Công tác chuẩn bị cho việc thực hiện kế hoạch nông nghiệp được khẩn trương thực hiện sớm hơn kế hoạch chung gần 1 tháng và đạt được nhiều kết quả tốt.
Ảnh: Nguyễn Bảo
Năm nay, diện tích tái canh VRG dự kiến đạt 6.500 ha, diện tích này tập trung chủ yếu ở các đơn vị khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Các công tác chuẩn bị tái canh được thực hiện kỹ lưỡng đúng với quy định như chủ động thực hiện cưa cắt, làm đất và tái canh đảm bảo thời vụ, chất lượng. Theo đó, tính đến ngày 21/7/2021, toàn bộ các đơn vị đã hoàn thành công tác cưa cắt và diện tích trồng đạt gần 80%. Ông Phạm Hải Dương – Trưởng ban QLKT VRG cho biết: “Năm nay, công tác tái canh của các đơn vị gặp một số khó khăn, chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19, thời tiết mưa trễ và nắng nóng cục bộ cuối tháng 6, đầu tháng 7 dẫn đến bất lợi trong công tác này. Tuy nhiên các đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động ứng phó với các điều kiện bất lợi nên công tác tái canh đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đến 31/7, VRG sẽ hoàn thành công tác tái canh theo quy định”.
Chủ động áp dụng các giải pháp khi thiếu lao động
Trong thời điểm hiện nay, tình hình khai thác mủ còn bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực Campuchia, Lào và Đông Nam bộ. Một số đơn vị khu vực Đông Nam bộ hiện có tình trạng thiếu công nhân khai thác cục bộ trong ngắn hạn do việc phong tỏa, cách ly do dịch tại địa phương như Đồng Nai, Hòa Bình, Dầu Tiếng, Bà Rịa, Đồng Phú. Trước tình hình đó, Ban QLKT đã xây dựng các nhóm giải pháp, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng của các đơn vị.
Đối với công tác thu hoạch mủ đang thiếu công nhân do tạm thời đang bị phong tỏa, cách ly do ảnh hưởng COVID-19, Ban QLKT đề xuất các đơn vị triển khai quyết liệt chủ trương cạo 2 phiên để tăng năng suất lao động, cạo choàng phiên chiều cho vườn cây thiếu công nhân; Xem xét giảm nhịp độ cạo trên vườn cây để bố trí công nhân cạo choàng cho những phần cây đang tạm ngưng do công nhân bị phong tỏa, cách ly; Tổ chức thu mủ đông trên những khu vực công tác bảo vệ sản phẩm tốt và khuyến khích lao động nhận thêm phần cây cạo nhằm tăng thêm thu nhập; Xem xét tăng đơn giá tiền lương để khuyến khích lao động nhận thêm phần cạo.
Ban chuyên môn cũng lưu ý các đơn vị không để bị động khi xảy ra tình huống dịch bệnh lan rộng. Và có kế hoạch cụ thể khi thiếu lao động. Nếu thiếu 15% lao động thì giữ nguyên nhịp độ cạo, tổ chức cạo choàng các phần cây trống. Nếu thiếu đến 30% lao động thì sắp xếp lại phần cây, ưu tiên lô cao su cho năng suất cao cạo chính và lô cao su năng suất thấp cạo choàng. Cho phép chuyển sang thu mủ đông 100% diện tích vườn cây cạo chính và cạo choàng. Trong trường hợp thiếu trên 30% lao động: Sắp xếp lại phần cây, phiên cạo và chuyển sang thu mủ đông 100%. Tuy nhiên phải tuân thủ theo các thứ tự ưu tiên như sau: Chuyển từ nhịp độ cạo D3 sang D4 (không cạo nhịp độ thấp hơn, nếu đang cạo D4 thì giữ nguyên); Ưu tiên lô cao su cho năng suất cao cạo chính và lô cao su cho năng suất thấp cạo choàng. Nếu đã áp dụng nhịp độ cạo D4 nhưng vẫn không bao choàng hết diện tích, cho phép tạm ngưng cạo những lô cho năng suất thấp nhất.
Đối với Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc do đặc điểm của khu vực, do đó quý III là thời điểm tập trung thực hiện sản lượng cao nhất, Ban QLKT đề nghị các đơn vị khu vực này chủ động cạo bù trước trong điều kiện thuận lợi để đảm bảo số lát cạo trong năm 2021.
Riêng trường hợp thiếu công nhân tại khu vực nước ngoài, các đơn vị phải xây dựng phương án giữ lao động lâu dài bằng hình thức đẩy mạnh thu lao động tại địa phương, trong vùng dự án, đảm bảo đủ công nhân cạo. Đồng thời, xem xét điều chỉnh tăng số cây cạo/phần hoặc chế độ cạo đảm bảo không để trống phần cây không cạo.
Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hưng – Phó TGĐ VRG cho rằng các đơn vị phải chủ động bằng nhiều phương án, ngoài lương, còn có các chế độ khác như nhà ở… không để thiếu lao động. Theo ông, để hạn chế tối đa ảnh hưởng COVID-19 thì tại các nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, vườn cây thì tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương để có phương án phù hợp, bảm bảo có lao động để tổ chức sản xuất.
Lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi của VRG
Theo đánh giá của Ban QLKT, dù lĩnh vực nông nghiệp dần có những thành tựu, nổi bật trong những năm gần đây nhưng vẫn có một số hạn chế. Năng suất lao động, nhất là trong lĩnh vực thu hoạch mủ đã có nhiều cố gắng nâng cao trong thời gian qua nhưng so với một số ngành nghề khác thì vẫn còn thấp, tỷ trọng cơ giới hóa thấp dẫn tới thâm dụng lao động và nguy cơ thiếu lao động trong tương lai gần là rất cao, là thách thức đối với sự phát triển bền vững của VRG. Mô hình sản xuất hiệu quả cao với chuỗi sản phẩm nông lâm kết hợp chỉ mới sơ khởi, chưa tạo được động lực thực sự để thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất…
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo VRG với Ban QLKT, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG cho biết Ban QLKT sẽ xây dựng kế hoạch nông nghiệp từ năm 2022 – 2025, trong đó sẽ có kế hoạch chi tiết của từng năm, từng con số cụ thể dự kiến của sản lượng khai thác, xen canh, kế hoạch bón phân… để từ đó tham mưu cho lãnh đạo VRG và hỗ trợ kịp thời các đơn vị trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới Ban QLKT tiếp tục hoàn thiện các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với từng vùng miền để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xây dựng chuỗi sản phẩm nông lâm kết hợp… để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG nhấn mạnh: “Lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi, khẳng định vai trò, vị thế của VRG. Do đó phải phát huy những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị cần phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch COVID-19. Sức khỏe của người lao động (NLĐ) là quan trọng nhất. Đảm bảo được sức khỏe cho NLĐ và gia thuộc thì sẽ ổn định tổ chức sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép. Do đặc thù của ngành cao su, đề nghị các đơn vị triển khai áp dụng linh hoạt và phù hợp các giải pháp trong khai thác. Bên cạnh đó, nghiên cứu các chế độ chính sách liên quan và hỗ trợ trang thiết bị cần thiết phù hợp cho NLĐ trong lĩnh vực này”. Về tình hình dịch bệnh COVID-19, ông Thuận cũng đề nghị các đơn vị chủ động và thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của VRG để kịp thời có giải pháp, hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng chống dịch và hoạt động sản xuất. “Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục báo cáo với các địa phương để hỗ trợ đơn vị trong khả năng tốt nhất”, ông Thuận cho biết thêm.
Đánh giá cao những nỗ lực của Ban QLKT VRG trong công tác nông nghiệp của toàn VRG trong thời gian qua, ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG cho biết: “Ban QLKT đã kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị trong công tác quản lý nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu chung. Theo dự báo nếu diễn biến dịch không ảnh hưởng thì sản lượng sẽ vượt trên 3% kế hoạch đề ra. Tôi hoàn toàn thống nhất với các giải pháp Ban QLKT đề xuất sẽ thực hiện trong từng trường hợp cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2021. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về kế hoạch sản lượng thì công tác tổ chức quản lý rất quan trọng, vì vậy cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>