Thông tin hội viên

Thực trạng và một số giải pháp của VRG trước ảnh hưởng của dịch COVID-19

20/09/2021

Là một trong những tập đoàn kinh tế chủ chốt của Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang gặp nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 và rất khó đạt kế hoạch đề ra cho năm 2021.


Tác động trực tiếp và sâu rộng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VRG

Mới đây, VRG đã có báo cáo tổng quát công tác phòng chống dịch COVID-19 và các tác động của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tập đoàn trong 8 tháng đầu năm 2021. Theo đó, báo cáo cho thấy những tác động của dịch COVID-19 đã khiến Tập đoàn bị ảnh hưởng toàn diện về nhân vật lực, dây chuyền sản xuất, vận chuyển, cung ứng hàng hóa, tiêu thụ…
Sản xuất găng tay ở Công ty VRG Khải Hoàn.
Ảnh: Vũ Phong
Đội ngũ nhân sự của Tập đoàn bị nhiễm bệnh trở thành F0, F1, phải nhập viện điều trị, cách ly lên đến hàng ngàn người đã làm khó khăn, ngưng trệ nhiều bộ phận, khu vực trong chuỗi sản xuất cung ứng và vận hành hệ thống của công ty mẹ Tập đoàn các đơn vị thành viên VRG. Một số đơn vị thành viên như: Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty CP Cao su Phước Hòa, Công ty CP Cao su Đồng Phú, Công ty CP Cao su Bà Rịa, Công ty CP Cao su Hòa Bình, Công ty CP Gỗ MDF VRG DongWha, Công ty CP chế biến Gỗ Thuận An... phải ngưng khai thác, sản xuất trong thời gian dài. Một số đơn vị khác đã phải điều chỉnh phương án sản xuất hoặc bố trí lại lao động, thời gian làm việc để phù hợp với thời gian giới nghiêm theo quy định, càng khiến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trầm trọng hơn, phát sinh nhiều chi phí... “Với đặc thù ngành nông nghiệp và do diện tích cao su của Tập đoàn trải dài trên nhiều vùng trong cả nước và cả ở nước ngoài, việc giãn cách xã hội đã trực tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát SXKD. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị ở khu vực Đông Nam bộ, làm giảm sản lượng kế hoạch năm 2021, làm gián đoạn thời gian trồng tái canh cao su năm 2021 và nhiều hoạt động khác”, ông Huỳnh Văn Bảo – Tổng Giám đốc VRG cho biết.
Cũng theo báo cáo, hoạt động SXKD đình trệ, ngược lại chi phí phòng, chống dịch lại tăng cao và đây là khoản phát sinh ngoài dự kiến khi Tập đoàn này làm kế hoạch cho năm 2021. Hưởng ứng phát động của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 Tập đoàn đã đóng góp cho quỹ vaccine quốc gia 200 tỷ đồng. Đồng thời, ông Bảo nêu lên những khó khăn của Tập đoàn này đã và đang gặp phải. “Việc tiếp cận nguồn vaccine còn hạn chế, nên việc tiêm phòng cho đội ngũ CB-CNV, người lao động và gia thuộc trong toàn Tập đoàn còn chậm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp, khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp”.
Những năm gần đây, VRG đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ. Ảnh: Vũ Phong
Báo cáo cũng cho thấy dù đã qua 2/3 thời gian năm 2021 nhưng hầu hết các chỉ tiêu đều đạt ở mức rất thấp so với kế hoạch năm Tập đoàn này đề ra. Chẳng hạn, sản lượng khai thác của Tập đoàn này đạt 198.000 tấn, bằng 53% kế hoạch (KH), doanh thu hợp nhất của Tập đoàn dự kiến đạt 15.046 tỷ đồng, tương đương 56% KH, lợi nhuận 3.326 tỷ đồng, đạt 58% KH. Trong đó, “công ty mẹ” đạt doanh thu 1.301 tỷ đồng, tương đương 30% KH, lợi nhuận 754 tỷ đồng, đạt 24% KH… Kết quả thực hiện không đạt kế hoạch đề ra.
Một số giải pháp và kiến nghị của VRG
Xác định dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và lâu dài, Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành hỗ trợ để tập đoàn này vượt qua khó khăn hiện nay. Cụ thể, trong báo cáo này, ông Bảo đề nghị dừng thu phần đóng quỹ Bảo hiểm xã hội đến ngày 30/6/2022 vì quỹ này đang kết dư lớn. Tương tự, đối với quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ này đến hết ngày 30/6/2022 vì quỹ này cũng hiện có kết dư hơn 89 tỷ đồng…
Về lĩnh vực thuế, VRG đề nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và xem xét giãn thời gian đóng tiền thuê đất 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; chưa áp dụng việc tăng giá thuê đất giai đoạn 2021 – 2025. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Tập đoàn kiến nghị giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 mà không giới hạn về tổng doanh thu trong năm và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi Chính phủ công bố hết dịch, không phân biệt quy mô doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp nội bộ VRG cần tập trung thực hiện các tháng cuối năm nay. Trong đó, “tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị” là giải pháp trọng tâm. Tập đoàn xác định việc tiêm vaccine là giải pháp trọng yếu, là điều kiện tiên quyết để tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới. “Mục tiêu trong năm nay cả ngành đạt tỷ lệ 100% CBCNV-NLĐ tiêm 2 mũi vaccine COVID-19. Để đạt mục tiêu này, Tập đoàn đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho CBCNV-NLĐ. Đề nghị xem xét cho các bệnh viện, trung tâm y tế của Tập đoàn là cơ sở được phân bổ và tiêm vaccine để chúng tôi chủ động hơn cho công tác tiêm phủ vaccine cho CBCNV-NLĐ trong ngành”, Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo kiến nghị.
Thời điểm này, các đơn vị đang ra sức
thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức
kế hoạch năm 2021 – Võ Văn Bông
Cuối cùng, trên cơ sở phân tích những khó khăn thực tiễn trong cơn cuồng phong của đại dịch COVID-19 thể hiện qua những con số báo động về kết quả kinh doanh không khả quan sau 8 tháng đầu năm, lãnh đạo VRG mong được các cấp lãnh đạo chia sẻ: “Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát dữ dội và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện như trên, Tập đoàn kính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét điều chỉnh kế hoạch năm 2021”, Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo mong mỏi.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>