Tin tức

Hoa Kỳ đề xuất cách tính giá trần dầu Nga

12/09/2022

Với cách tính của Hoa Kỳ, gồm chi phí sản xuất, rủi ro chiến sự và biến động giá gần đây, các chuyên gia dự kiến giá trần quanh 60 USD.


Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Elizabeth Rosenberg hôm nay cho biết trước báo giới rằng giá trần mà các nước G7 muốn áp lên dầu Nga nên được thiết lập bằng cách lấy giá thị trường hợp lý (fair market value) trừ phần bù rủi ro (risk premium) từ chiến sự tại Ukraine. Giá trần cần cao hơn chi phí sản xuất cận biên của Nga và nên điều chỉnh theo lịch sử. “Chúng tôi đang cân nhắc một số dữ liệu chính. Mức giá trần sẽ được thiết lập theo nhiều yếu tố, trong đó có chi phí sản xuất cận biên”, bà nói, “Giá trần cũng nên khớp với các mức giá trong lịch sử từng được thị trường Nga chấp nhận”.

Theo giới chuyên gia, việc này đồng nghĩa giá trần có khả năng quanh 60 USD một thùng. Dầu Urals của Nga từng được bán với giá 50 – 70 USD năm 2019. Một số tài liệu của chính phủ Nga cho biết chi phí sản xuất cận biên của họ là 44 USD một thùng. Dù vậy, quan chức phương Tây cho rằng con số này có thể còn thấp hơn.
Bà Rosenberg nói rằng trong vài tuần tới, các nước G7, gồm Anh, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản sẽ cùng làm việc để xác định mức giá trần và các chi tiết khác về việc thực thi. Tuần trước, G7 đã đồng ý với kế hoạch ngừng cung cấp bảo hiểm, tài chính, môi giới và nhiều dịch vụ khác với dầu và các sản phẩm từ dầu Nga, trừ phi giá mua thấp hơn giá trần. Bà Rosenberg cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ không cần phải tự điều tra xem giá có dưới trần hay không. Họ có thể dựa vào sự chứng thực của bên mua và bên bán. Một quan chức châu Âu cho biết G7 vẫn chưa bắt đầu thảo luận chính thức về giá trần. “Mục tiêu là vẫn khuyến khích Nga xuất khẩu dầu, khi đảm bảo giá trần nhỉnh hơn chi phí sản xuất”, người này cho biết. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và các quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đã dành nhiều tháng nay ghé thăm các nước tiêu thụ dầu lớn để thuyết phục họ tham gia. Hoa Kỳ cho rằng cách này sẽ hạn chế Nga cấp tài chính cho chiến dịch quân sự, mà không thay đổi lượng dầu nước này xuất khẩu ra toàn cầu. Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay vẫn cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho các nước tham gia kế hoạch áp trần giá.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm nay cũng cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang tạo ra cơ hội để châu Âu có thể thoát phụ thuộc năng lượng vào Moskva. “Có cơ hội lớn, một lần cho mãi mãi, để dừng phụ thuộc vào Nga, thoát khỏi gông cùm của Nga với châu Âu là dùng năng lượng làm vũ khí, và đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa các tuyến chuyển năng lượng”, ông nói.
Hà Thu, nguồn: https://vnexpress.net/my-de-xuat-cach-tinh-gia-tran-dau-nga-4509398.html, ngày 09/9/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>