Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Các biến số cho nền kinh tế toàn cầu năm 2023

26/12/2022
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm trong năm tới và kẻ thù chung của tất cả các nền kinh tế vào năm 2023 sẽ là lạm phát đình trệ.

 


 EU thống nhất áp giá trần khí đốt ở mức 180 Euro/MWh,

dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/02/2023. Ảnh: AFP
Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đưa ra ước tính về mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 là 1,2% bằng 1/5 mức tăng 6% năm 2021 và chưa bằng một nửa so với mức 3,2% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính cho năm 2022. Đầu tháng 12/2022, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, khả năng tăng trưởng toàn cầu trong năm tới ở mức dưới 2%.
Về giá cả, IMF dự báo tỉ lệ lạm phát toàn cầu là 6,5% trong năm tới. Mặc dù đó sẽ là mức giảm so với ước tính 8,8% của năm nay, nhưng mức tăng giá sẽ vẫn cao. Trong triển vọng tháng 11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo lạm phát trung bình 6% cho nhóm G20. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức 1% 2% ở các nền kinh tế lớn trước đại dịch. Các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đã mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, giá vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Lãi suất có thể sẽ ở mức cao trừ khi giá cả giảm xuống. Một nền kinh tế tăng trưởng trong phạm vi 1% và giá cả trong phạm vi 6% cho thấy lạm phát đình trệ.
Xung đột Nga Ukraina có thể diễn ra theo ba hướng trong năm 2023: Nga thắng, Ukraina thắng, hoặc xung đột tiếp tục kéo dài. Nếu Nga không tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 02, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lớn nhất kể từ cú sốc dầu mỏ những năm 1970 có thể đã không xảy ra. Giá dầu thế giới tăng vọt lên 98 USD/thùng trong năm nay so với mức trung bình 69 USD của năm ngoái. Khí đốt bị ảnh hưởng nặng nề hơn, giá khí đốt tăng vọt sau khi Nga cắt giảm cho EU. Theo tờ The Economist, giá khí đốt trong quý I năm 2023 dự kiến trung bình là 125 Euro/MWh, cao hơn khoảng 6 lần so với năm trước.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong năm nay. IMF dự báo mức tăng trưởng là 3,2% trong 2022 và 4,4% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình hằng năm là 6,7% từ năm 2015 đến năm 2019. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nếu Trung Quốc nhà sản xuất và chi tiêu lớn nhất thế giới tăng chậm lại. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva lưu ý, khoảng 30% 45% tăng trưởng toàn cầu là nhờ vào Trung Quốc nhưng trong năm 2022 và 2023, Trung Quốc sẽ không thể đóng góp ở mức này.
Một điểm sáng là Trung Quốc đã có dấu hiệu nới lỏng chính sách phòng ngừa COVID19 và đang thực hiện các bước để mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội. Các nền kinh tế trong khu vực, hầu hết đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, sẽ có nhiều hy vọng về việc mở cửa trở lại thị trường này. Bà Selena Ling Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng OCBC lưu ý, Trung Quốc là nguồn đầu tư, du lịch và dòng vốn đầu tư chính cho nhiều quốc gia châu Á. Mặc dù thương mại giữa Trung Quốc và khu vực vẫn duy trì ổn định trong thời kỳ đại dịch, nhưng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sẽ giúp thúc đẩy tâm lý thị trường và niềm tin cho khu vực.
Khi lãi suất tăng, chi phí trả nợ tăng. IIF ước tính tổng nợ toàn cầu của các chính phủ, công ty và hộ gia đình đã lên tới 290,6 nghìn tỉ USD tính đến cuối tháng 10 năm 2022, tăng 28% so với mức 226.000 tỉ USD vào năm 2020. Lãi suất cao hơn làm suy yếu khả năng chi tiêu của các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Thị trường bất động sản trên khắp thế giới đã nhanh chóng trở nên tồi tệ. Thu nhập phải tăng lên để có thể trả được gánh nặng lãi suất tăng hoặc lãi suất phải giảm xuống. Nhưng khó có thể trông đợi thu nhập cao hơn trong một nền kinh tế yếu kém. Sau khi thực hiện vòng xoáy tăng lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) không có ý định nới lỏng. Sự đồng thuận của Phố Wall cho thấy FED có thể sẽ tiến tới mục tiêu lãi suất trên 5% vào năm tới. Khối lượng nợ lớn cùng với lãi suất cao có thể gây ra vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng tài chính. IMF dự đoán 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang ở trong một cuộc khủng hoảng nợ hoặc gần một cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh u ám vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2023, nằm ở các khu vực Mỹ Latinh. Nhiều quốc gia ở Mỹ Latinh, nơi xuất khẩu nguyên liệu thô, bao gồm gỗ, quặng và các đầu vào kinh tế quan trọng khác thúc đẩy nhiều nền kinh tế, lạm phát toàn cầu tỏ ra có lợi khi giá của những hàng hóa đó tăng lên. IIF dự báo GDP trên toàn khu vực này tăng 1,2%, ngay cả khi đa phần còn lại của thế giới chứng kiến ​​sự suy giảm.
Khánh Linh, nguồn: https://laodong.vn/the-gioi/cac-bien-so-cho-nen-kinh-te-toan-cau-nam-2023-1129456.ldo, ngày 21/12/2022 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>