Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu kéo chậm đà phục hồi kinh tế

25/10/2021

Các nhân tố tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng là rất đa dạng và ngày càng phức tạp, đan xen lẫn nhau, bởi quá trình toàn cầu hóa khiến cho mức độ lệ thuộc giữa các quốc gia tăng lên.


 

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Dưới tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang đối diện với một loạt khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu, giá cả leo thang, khan hiếm nguồn nhân lực, sản xuất gián đoạn và vận chuyển hàng hóa chậm trễ. Đến nay, tình hình vẫn chưa có dấu hiện cải thiện, khiến người dân cảm thấy lo lắng về nguy cơ khan hiếm hàng hóa trong mùa Giáng Sinh cuối năm.
Các nhân tố tạo ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng là rất đa dạng và ngày càng phức tạp, đan xen lẫn nhau, bởi quá trình toàn cầu hóa khiến cho mức độ lệ thuộc giữa các quốc gia tăng lên. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh khác nhau tại từng nước cũng làm gia tăng độ khó khi giải quyết vấn đề chuỗi cung ứng.
Gần đây, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã kêu gọi lãnh đạo G7 hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng đang kéo chậm đà phục hồi kinh tế. Giới lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp toàn cầu dự đoán cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ không chấm dứt trong ngắn hạn và có thể tiếp tục kéo dài đến nửa cuối năm 2022. Hơn một năm qua, các biện pháp phòng chống dịch và hạn chế đi lại đã khiến ngành sản xuất của nhiều nước đình trệ, các nhà máy không thể giao hàng, container ùn ứ do yêu cầu phòng dịch của hải quan và các cảng bị tắc nghẽn.
Thương hiệu hàng nội thất lớn nhất thế giới IKEA đã không thể vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Quốc, khiến các chi nhánh bị thiếu hàng nghiêm trọng. Hiện nay, khoảng 1/4 số sản phẩm của IKEA được sản xuất tại Trung Quốc.
Tác động và sự hủy hoại đối với các mắt xích then chốt như vùng sản xuất nguyên liệu, vùng gia công chế biến, ngành vận tải biển… do làn sóng dịch bệnh gây nên khiến cho bức tranh cung cầu toàn cầu thay đổi ngày càng phức tạp. Nhịp điệu phục hồi của các nền kinh tế chủ chốt không giống nhau buộc chính phủ và doanh nghiệp các nước phải tìm cách ứng phó với tình hình khó khăn này. Trong khi lạm phát là vấn đề tạm thời hay sẽ tiếp tục kéo dài vẫn còn có quan điểm khác nhau, nhưng giá cả leo thang đã là xu thế rõ ràng.
Cú sốc dịch bệnh khiến tình hình căng thẳng nguồn cung chip được thể hiện rõ nhất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của hơn 169 ngành nghề, bao gồm điện thoại di động, ô tô và điện gia dụng, máy tính cá nhân…, đồng thời tác động đến năng lực sản xuất và kế hoạch mở rộng nhà máy của các nhà sản xuất chip. Điển hình là ngành công nghiệp ô tô, do thiếu hụt chip nên sản lượng ô tô toàn cầu năm 2021 sẽ giảm 7,7 triệu chiếc, thiệt hại của các nhà sản xuất ước tính 210 tỷ USD. Trong đó, các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản, Đức hay Mỹ cũng đều không loại trừ và một số dây chuyển sản xuất đã phải đóng cửa. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đàm phán với các doanh nghiệp dẫn đầu như TSMC, Intel…, hy vọng có thể tìm được biện pháp giải quyết vấn đề khan hiếm chip kéo dài. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng chuẩn bị phối hợp cùng nhau, nỗ lực cải thiện chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời duy trì địa vị dẫn đầu trên các lĩnh vực công nghệ mới nổi.
Ngành chế tạo toàn cầu quá phụ thuộc vào Trung Quốc là một nhược điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip do Mỹ thực hiện đang càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt không thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, khiến chuỗi cung ứng rơi vào trạng thái hỗn loạn chưa từng có và cản trở đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Gần đây, các cảng container khắp nơi bao gồm Anh, Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) và Thâm Quyến… đều xuất hiện vấn đề giao hàng chậm trễ, tình trạng khan hiếm container khiến chi phí vận chuyển tăng vọt 10 lần so với một năm trước. Hơn nữa, sự thiếu hụt nguồn nhân lực của ngành vận chuyển đã làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc cảng, một loạt vấn đề xâu chuỗi với nhau sẽ dẫn đến làn sóng khan hiếm hàng hóa khắp nơi.
Từ tháng 9 đến nay, nguồn cung thiếu hụt đã khiến giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô tăng mạnh, dẫn đến sự căng thẳng trong cung ứng điện của nhiều nước và khu vực. Cuộc khủng hoảng năng lượng đang lan rộng ra gần 30 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Người dân Singapore cũng cảm nhận được sức ép của giá điện và dầu thô leo thang, từ tháng 10– 12, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình trung bình tăng 3,2% so với trước đó, lên mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong khi đó, giá dầu thô phục hồi tăng mạnh về mức trước dịch bệnh khiến cho giá dầu ở Singapore cũng gia tăng tương ứng.
Dịch bệnh hoành hành đã làm bộc lộ yếu điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển, dịch vụ hậu cần. Sở dĩ được gọi là “chuỗi” là do các khâu liên kết và tương tác chặt chẽ với nhau, do đó việc xây dựng lại năng lực điều phối của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng là điều không dễ dàng, chỉ có phân tích tốt hơn những nhân tố rủi ro và ràng buộc về sự thay đổi phức tạp mới có thể làm giảm tình trạng hỗn loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu một cách sớm nhất. 
Chuỗi cung ứng quá lệ thuộc, quá tập trung và không minh bạch sẽ khiến xu hướng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục kéo dài trong một thời gian. Hơn nữa, xung đột thương mại giữa các nước và nhân tố địa chính trị khu vực cũng khiến cho vấn đề trở nền nổi cộm hơn. Qua bài học lần này, chính phủ các nước nhiều khả năng sẽ đẩy nhanh việc tái cấu trúc và quản lý đối với chuỗi cung ứng, và các doanh nghiệp cần phải nghiêm thúc thảo luận và lên kế hoạch phân tán rủi ro. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, việc thúc đẩy chuỗi cung ứng từng bước phục hồi ổn định, khôi phục sản xuất mới có thể tạo ra sự đảm bảo tốt hơn.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>