Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Nghịch lý thiếu hụt nguồn nhân lực tại Malaysia

08/11/2021

Kể từ khi nền kinh tế được phép hoạt động trở lại vào giữa tháng 8, Malaysia đã rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.


 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia Ảnh: AFP/TTXVN

Anh Aditya Akasha, 27 tuổi, người Malaysia, đã có 8 tháng làm công nhân xây dựng trước khi nghỉ việc. Anh Ram Singh, 25 tuổi, đã bỏ công việc thanh tra giám sát chất lượng 4 tháng sau khi gia nhập lĩnh vực sản xuất. Cả hai người đàn ông đều rời bỏ công việc mặc dù người sử dụng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này đang cần tuyển gấp công nhân sau khi nhiều hoạt động kinh tế được phép hoạt động trở lại.
Chủ nhà máy dệt Wan Imran Alim cho biết ông đã rất vất vả để giữ chân công nhân địa phương nhưng “không có cơ may”. Trao đổi với The Straits Times ông nói: “Họ đến rồi đi và dường như không có đủ nghiêm túc để duy trì công việc mặc dù đại dịch COVID-19 khiến hàng nghìn người thất nghiệp”.
Gần đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Low Kian Chuan cho biết, lý do chủ yếu gây ra sự thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng là giấy phép lao động cho lao động nước ngoài hết hạn và các lệnh “mở và đóng cửa” luân phiên được ban hành trong thời gian đại dịch. Ông nói thêm rằng số lượng lao động nhập cư hiện là 1,1 triệu người giảm 800.000 người so với mức 1,9 triệu người vào năm 2018, để lại sự thiếu hụt đáng kể trong lực lượng lao động.
Vào tháng 6/2020, Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực M. Saravanan đã thông báo về việc ngừng tuyển dụng lao động nước ngoài mới cho đến cuối năm 2020, nhằm mục đích giảm số lượng lao động nước ngoài cũng như ưu tiên cho người dân địa phương trong việc đảm bảo việc làm. Việc “đóng băng” sau đó đã được kéo dài đến cuối năm nay.
Mặc dù việc tạo việc làm cho người dân địa phương được hoan nghênh, nhưng một số chuyên gia cho rằng hiện tại có nhiều lĩnh vực tại Malaysia phải dựa vào lao động nước ngoài để thực hiện “công việc 3D” (công việc được coi là nhiều khó khăn và nguy hiểm).
Trao đổi với The Straits Times, Chủ tịch Liên đoàn Người sử dụng lao động Malaysia (MEF) Syed Hussain Syed Husman cho biết, trong khi MEF ủng hộ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định như trồng trọt và xây dựng, chính phủ nên giải quyết vấn đề phức tạp này ở cấp độ rộng hơn vì nhiều lĩnh vực khác cũng phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Ông cho biết, chính phủ nên xem xét lại chính sách khi kéo dài thời gian ngừng tuyển dụng lao động nước ngoài cho đến ngày 31/12/2021 tới.Ông Hussain cho biết, giống như ở Singapore, người bản địa Malaysia thường không chọn công việc 3D, do vậy có nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào lao động nước ngoài. Ông cho biết thêm rằng “Những công việc phổ thông trong các hoạt động sản xuất và nhà hàng không hấp dẫn người dân địa phương mặc dù mức lương khá tốt. Điều này chủ yếu liên quan đến đến địa vị xã hội và môi trường làm việc của những loại công việc này”.
Tuy nhiên, anh Aditya không đồng ý với ý kiến trên. Đến từ Selayang, một thị trấn ở bang Selangor, anh cho biết anh sẵn sàng nhận bất kỳ công việc 3D nào miễn là công việc đó ổn định, nhưng để giữ chân một nhân viên thì cần nhiều yếu tố hơn mức lương cao. Trao đổi với The Straits Times, anh Aditya nói: “Tôi đã bị nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc nhưng thay vì nhận được viện trợ, chủ cũ của tôi đã cắt thu nhập của tôi 300 Ringgit (khoảng 1.600.000 VND). Tôi không ngại việc lao động nặng nhọc, vì những người đi xin việc như tôi không có quyền lựa chọn. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục làm việc nếu thấy được đối xử công bằng”. Hiện anh đã nhận công việc nhân viên an ninh ở Selangor. Tương tự như vậy, anh Singh, hiện đang làm phục vụ tại một nhà hàng ở Taiping, bang Perak, cho biết: “Đó không chỉ là địa vị xã hội. Đối với tôi, đó chủ yếu là cách các đồng nghiệp đối xử với nhau. Chúng tôi biết công việc 3D không phải là loại công việc ‘hào nhoáng’ gì, song một số người sử dụng lao động cho rằng việc đối xử thô bạo với công nhân của họ là điều hoàn toàn bình thường”.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Malaysia Mohd Effendy Abdul Ghani cho rằng, không có lý do gì khiến người Malaysia ngần ngại tham gia các lĩnh vực quan trọng nếu họ được trả lương công bằng và có môi trường làm việc thuận lợi.Ông Mohd Effendy Abdul Ghani cho biết: “Tôi không đồng ý khi mọi người cho rằng người Malaysia kén chọn công việc. Tôi không phủ nhận có một số ngành thực sự cần lao động nhập cư, nhưng cũng có nhiều ngành nghề có thể tuyển dụng lao động địa phương. Tuy nhiên, nếu môi trường làm việc không thuận lợi và họ phải tồn tại với mức lương tối thiểu từ 1.200 đến 1.500 Ringgit trong 10 năm tới... thì điều đó không công bằng, đặc biệt là khi nhiều người có thừa tiêu chuẩn cho công việc này”.
Hằng Linh, nguồn: https://bnews.vn/nghich-ly-thieu-hut-nguon-nhan-luc-tai-malaysia/219608.html, ngày 04/11/2021 (HG trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>