Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Vaccine nâng triển vọng tăng trưởng cho Singapore và Indonesia

12/04/2021

Singapore được dự báo tăng trưởng 6,1% năm nay, còn GDP của Indonesia có thể tăng 3,9%, nhờ tiêm vaccine nhanh.


Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và Nikkei vừa thực hiện khảo sát hàng quý về triển vọng kinh tế Ấn Độ và 5 thành viên của Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan (ASEAN5). Theo đó, các nước này được đánh giá sẽ tăng trưởng dương năm nay, sau sự sụt giảm năm ngoái. Riêng dự báo cho Singapore, Indonesia và Ấn Độ được nâng lên so với khảo sát trước đó, thực hiện vào tháng 12/2020. Singapore được dự báo tăng trưởng 6,1% năm nay, cao hơn mức cũ là 4,5%. GDP của Indonesia cũng được nâng lên 3,9% so với 3,6% trước đó. Các con số này của Ấn Độ là 11,2% và 9,1%.

Nguyên nhân chính giúp 3 nền kinh tế này được nâng dự báo là thành công của các chương trình tiêm chủng Covid-19. Indonesia, một trong các nước chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch năm ngoái trong khu vực Đông Nam Á, đã triển khai tiêm chủng hàng loạt từ tháng 01/2021. "Chúng tôi kỳ vọng việc tiêm chủng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với tăng trưởng và phục hồi kinh tế năm 2021, để đạt được mức độ bình thường hoặc như trước đại dịch", Dendi Ramdani chuyên gia tại Ngân hàng Mandiri (Indonesia), cho biết. Chuyên gia Wisnu Wardana tại Ngân hàng Danamon (Indonesia) cũng đồng tình rằng, việc triển khai vaccine hiện tốt hơn so với các nước có cùng tình trạng như Indonesia. Chính sách tiền tệ cũng đã được cải thiện. "Lãi suất thấp đã hỗ trợ kinh tế phục hồi", Ramdani nói. Các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất tại Indonesia dao động quanh 3,55% trong nửa cuối năm 2021, giảm so với mức 3,75% quý IV/2020, nhưng cao hơn mức 3,5% hiện tại.
Singapore cũng dự kiến phục hồi trong năm nay, dù tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài. "Tiến bộ trong cung cấp vaccine giúp các nền kinh tế lớn trên toàn cầu mở cửa trở lại và bình thường hóa. Tăng trưởng ở Singapore nhờ thế sẽ vượt trội", Manu Bhaskaran tại Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Centennial Asia Advisors (Singapore), nhận định. Theo dữ liệu của Our World in Data, đến giữa tháng 3, Singapore đã tiêm chủng cho gần 7.000 người trên mỗi 1 triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các quốc gia châu Á khác. Với dân số thành thị nhỏ, chỉ 5,7 triệu người, chương trình tiêm chủng hàng loạt được triển khai dễ dàng và nhanh chóng.
Các nhà kinh tế kỳ vọng Ấn Độ cũng sẽ phục hồi nhanh chóng năm nay, nếu nước này duy trì tốc độ tiêm chủng hiện tại. Quốc gia này đang đối mặt với sự bùng nổ các ca bệnh, khi ghi nhận 103.558 ca nhiễm mới ngày 05/4. Trong khi đó, 3 nền kinh tế khác được khảo sát là Malaysia, Philippines và Thái Lan bị hạ dự báo tăng trưởng, dù cũng đã bắt đầu tiêm chủng. Chuyên gia Carlo Asuncion tại Ngân hàng Liên minh Philippines cho rằng nền kinh tế này sẽ chỉ phục hồi về mức tiền đại dịch vào giữa năm 2022, nếu có thể triển khai tiêm chủng thành công.
"Chúng tôi dự đoán cuối năm nay, 70 triệu người Philippines sẽ được tiêm chủng, đạt ít nhất 60% dân số, đủ để có miễn dịch cộng đồng", Asuncion cho biết. Dự báo tăng trưởng năm 2021 của Malaysia cũng bị hạ xuống 5,3%, từ 5,9% trước đó, do dịch bùng phát trở lại vào đầu tháng 1. Chuyên gia Wan Suhaimie từ Ngân hàng Đầu tư Kenanga của Malaysia nhận thấy nhiều rủi ro như việc triển khai vaccine "chậm hơn dự kiến" và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc Mỹ và Iran. Thái Lan dự kiến sẽ là nền kinh tế có hoạt động yếu nhất trong ASEAN5, khi các nhà phân tích điều chỉnh giảm mức tăng trưởng năm 2021 xuống chỉ còn 2,6%, từ 3,5% trước đó. "Các lĩnh vực liên quan đến du lịch, vốn tạo ra nhiều việc làm cho Thái Lan, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Lĩnh vực này có thể sẽ cần một thời gian để phục hồi hoàn toàn", Lalita Thienprasiddhi tại Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn trụ sở tại Bangkok, cho biết.
Theo bà Thienprasiddhi, thị trường lao động sẽ tiếp tục "mong manh". Tỷ lệ thất nghiệp ở những người có thu nhập thấp và không có tay nghề sẽ vẫn ở mức cao, dẫn đến gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan tăng 1,6% năm ngoái so với một năm trước. Mức tăng năm nay sẽ là 1,9%.
"Dịch tả lợn châu Phi đang đẩy giá thịt lợn lên cao, trong khi giá dầu thô toàn cầu đang làm tăng chi phí vận chuyển", Nicholas Mapa từ ING Bank Philippines cho biết. Dịch tả lợn bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2018 và Philippines vẫn đang phải gánh chịu hậu quả.
Với Singapore, bất chấp thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, các nhà kinh tế cho biết tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang là nguy cơ hàng đầu đối với nước này. "Các vấn đề về việc làm vẫn là rủi ro chính", Randolph Tan tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore cho biết.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>