Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Các doanh nghiệp ngành gỗ hướng về thị trường nội địa

25/09/2023

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 8/2023, xuất khẩu lâm sản đạt 1,19 tỷ USD, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái; tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu lâm sản chỉ đạt 8,95 tỷ USD, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.
 


Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng tốt. Bên cạnh nguyên nhân do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng giảm, còn do Hoa Kỳ khởi xướng điều tra với một số sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam, trong khi EU lại đưa ra quy định các sản phẩm gỗ phải đảm bảo không gây mất rừng hay suy thoái rừng.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại. Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu… các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương đã huy động các nguồn lực, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức Hội chợ hướng tới phục vụ thị trường nội địa. Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, trong tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm đối mặt với khá nhiều thách thức, ngành chế biến gỗ cần nhìn lại các giá trị nội hàm và tìm hướng phát triển mới là việc làm mang tính cấp thiết.
Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ cần chủ động
tìm thị trường và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm gỗ
Còn ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, lạm phát, xung đột kinh tế... khiến phần lớn tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều sụt giảm, không riêng gì ngành gỗ. Tuy nhiên, đối diện với thách thức đó, các doanh nghiệp ngành gỗ không hề bị động mà chủ động thích ứng. Một mặt, doanh nghiệp tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu GIBC chia sẻ, việc giảm đơn hàng hiện nay của ngành gỗ và nội thất chỉ là tạm thời. Ngành nội thất Việt Nam có đủ dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới. So với dự báo tăng trưởng GDP trung bình toàn cầu ở mức 3%, tốc độ tăng trưởng của ngành nội thất thế giới đang là 4,5%. Bên cạnh những nỗ lực từ nhiều phía nói trên thì yêu cầu “xanh hóa” sản xuất đang là một đòi hỏi cấp thiết mà các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng cần chú trọng chuyển đổi, đầu tư. Vì đây đang là xu thế toàn cầu bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường toàn cầu.
Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ cũng chính là con đường để doanh nghiệp có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài những quy định bắt buộc hiện hành, doanh nghiệp Việt sẽ còn phải đối mặt với những đòi hỏi mới như: Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) do Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất, có hiệu lực từ tháng 10/2023. Hàng hóa nhập khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải chịu thêm chi phí chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ các-bon. Với hiện trạng ngành gỗ Việt Nam có trữ lượng rừng trồng đáng kể, nên nếu thiết lập lại và tổ chức kết nối tốt, thị trường tín chỉ các-bon chính là cơ hội để doanh nghiệp nội thất Việt gia tăng lợi thế. Đặc biệt, ngành chế biến gỗ Việt Nam cần định vị lại mục tiêu, tầm nhìn trở thành trung tâm đồ nội thất thế giới xanh và bền vững.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), địa phương này được xem là trung tâm ngành gỗ khi chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ với hơn 900 doanh nghiệp trong nước, còn lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh. Hiện nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã và đang lấy sản xuất “xanh” làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp đã liên tục đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đồng thời, đẩy mạnh phân phối tại thị trường trong nước. Những thách thức mới về thị trường liên quan đến sản xuất xanh cũng sẽ là động lực giúp ngành chế biến gỗ phát triển tích cực hơn, bền vững hơn.

Đức Hiền, nguồn: https://thoibaonganhang.vn/cac-doanh-nghiep-nganh-go-huong-ve-thi-truong-noi-dia-144118.html, ngày 21/9/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>