Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với truyền thông và cộng đồng

22/04/2016

 Sáng ngày 20 tháng 4 năm 2016 tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn “Thương hiệu Quốc gia với Truyền thông và Cộng đồng”. 


 Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 và chuẩn bị cho Lễ Công bố các doanh nghiệp Việt Nam đạt Thương hiệu Quốc gia lần thứ 5 năm 2016. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đến tham dự và chủ trì sự kiện.

Nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (THQG) Đỗ Thắng Hải chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực thực hiện Chương trình còn nhiều hạn chế, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thu hút sự đồng hành tích cực của DN trong nhiều hoạt động của Chương trình, quy tụ nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng DN quyết tâm đưa hàng hóa, dịch vụ mang Thương hiệu Việt Nam (THVN) tương xứng với vị thế mới của đất nước. Trong đó, các cơ quan truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình THQG cũng như khơi dậy phong trào phát triển THVN, tôn vinh các DN, thương hiệu sản phẩm uy tín đạt THQG. Nhận thức được vai trò quan trọng của truyền thông nên ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chương trình THQG đã ký kết thỏa thuận hợp tác với những đối tác truyền thông lớn trong nước để thực hiện các hoạt động quảng bá, tăng cường sự nhận biết đối với các sản phẩm mang THVN, tạo sự tin cậy, ưa thích của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với hàng hóa, dịch vụ và nhà sản xuất Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, báo chí đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, những thách thức mà quốc gia, cộng đồng DN đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới. Phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với nhà sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp DN có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.
“Xây dựng THQG để khẳng định bản sắc trên thị trường là hướng đi đúng. Song phải có thời gian, lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm. Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi DN, Hiệp hội ngành hàng mới tạo ra bước đột biến”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Số lượng DN mang biểu trưng THQG tăng đều qua từng năm
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Phó Tổng Thư ký Chương trình THQG cũng cho biết, đến nay Chương trình THQG đã tiến hành 04 đợt lựa chọn các DN và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng THQG. Cụ thể, năm 2008, Ban tổ chức đã lựa chọn được 30 DN; năm 2010 là 43 DN; năm 2012 là 54 DN; năm 2014 lựa chọn được 63 DN trong đó có 14 DN lần thứ 2 liên tiếp, 11 DN lần thứ 3 liên tiếp và 23 DN lần thứ 4 liên tiếp đạt THQG.
Đối với các DN có sản phẩm đạt THQG được tham gia các hoạt động có hỗ trợ của Chương trình THQG từ ngân sách Nhà nước; được hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước; được đưa vào cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và khách hàng của Chương trình; được đề xuất sáng kiến xây dựng chiến lược, chương trình hành động cụ thể của Chương trình; được sử dụng biểu trưng THQG và hệ thống nhận diện THQG trong công tác quản trị kinh doanh và truyền thông thương hiệu trong thời gian 2 năm kể từ khi được công nhận.
Tuy nhiên ông Đỗ Kim Lang cũng nhấn mạnh, khi có sản phẩm đạt THQG, DN phải thực hiện việc tổ chức và quản lý kinh doanh theo đúng quy định của phát luật Việt Nam và quốc tế; phải đảm bảo duy trì và thỏa mãn các điều kiện tiêu chí của sản phẩm được bình chọn mang biểu trưng THQG trong suốt thời gian được mang biểu trưng. DN phải có các chương trinh thường xuyên nâng cao chất lượng, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết kế phát triển sản phẩm mới. Mọi hoạt động của DN phải đảm bảo giữ gìn hình ảnh và uy tín quốc gia.
Trong định hướng hoạt động Chương trình THQG đến năm 2020, Ban tổ chức Chương trình định hướng xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển thương hiệu thông qua hoạt động phối hợp các chương trình và hoạt động có sự tương đồng về mục tiêu và nội dung do các Bộ, ngành thực hiện. Tiếp tục hỗ trợ DN xây dựng năng lực phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động như đào tạo, tư vấn, thông tin, v.v... Xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể theo ngành hàng. Tăng cường quảng bá THQG và các sản phẩm đạt THQG thông qua các kênh thông tin truyền thông đại chúng.
Truyền thông - Một trong những công cụ sống còn của xây dựng thương hiệu
Nhấn mạnh về vai trò của công tác tuyên truyền đối với phát triển hình ảnh và THQG Việt Nam, TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW cho rằng việc xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh và thương hiệu hình ảnh và THQG Việt Nam là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, trong đó công tác tuyên truyền đóng một phần quan trọng giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cấp lãnh đạo, DN về sự cần thiết phải phát triển hình ảnh và THQG trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng. Giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự trọng của dân tộc, xây dựng đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội và sự tự tin cho DN. Công tác tuyên truyền cũng góp phần vào việc đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ hàng Việt Nam, xây dựng lối sống, văn hóa mới trong tiêu dùng của người Việt Nam. Cung cấp kiến thức về THQG, xây dựng và bảo vệ THQG.
Chia sẻ về Chương trình THQG đối với việc xây dựng hình ảnh quốc gia và DN, PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, thành viên Ban cố vấn Chương trình THQG lý giải, xây dựng thương hiệu thực chất là tạo dựng ấn tượng, những quan niệm, nhận định và thái độ tích cực của công chúng và các bên liên quan đối với các sản phẩm, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và địa phương. Trong thời gian qua, không phải ai cũng hiểu đúng về khái niệm THQG và Chương trình THQG. Chương trình THQG là Chương trình cấp quốc gia về xây dựng và phát triển thương hiệu với các mục tiêu và phạm vi khác nhau. Còn THQG là đích đến quan trọng nhất của Chương trình THQG.
PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh cũng khẳng định, Chương trình THQG có vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu DN, hỗ trợ DN nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu thông qua các chương trình đào tạo, tư vấn và truyền thông, bảo chứng cho các thương hiệu của DN, tạo cơ hội cho các DN nhỏ tham gia chuỗi cung ứng và cơ hội thị trường khi phát triển thương hiệu ngành hàng.
Để Chương trình THQG thực sự đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ hội nhập, bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Điều hành, Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho rằng công tác truyền thông, quảng bá cho Chương trình THQG cần được triển khai mạnh mẽ, chính thống hơn nữa tới các cơ quan hành chính, xúc tiến thương mại (XTTM) các cấp để các DN THQG được nâng tầm, tôn vinh hơn nữa.
Bên cạnh đó, giới thiệu đến các DN THQG danh sách các hoạt động XTTM thuộc Chương trình XTTM Quốc gia và đề nghị các đơn vị chủ trì ưu tiên hỗ trợ các DN đạt THQG tham dự các hoạt động này. Giới thiệu các DN đạt THQG tới toàn bộ hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm hỗ trợ các DN quảng bá hình ảnh và tiếp cận thị trường nước ngoài. Trực tiếp hỗ trợ các DN đạt THQG tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài nước do Cục XTTM chủ trì như Hội chợ Vietnam Expo tháng 4, Hội chợ Việt Nam tại Lào, Myanmar, Hội chợ Canton Fair, CaExpo tại Trung Quốc, Hội chợ công nghiệp thực phẩm Foodex, v.v…


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>