Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Đồng Nai: Nhen nhóm kinh tế tuần hoàn trên nhiều lĩnh vực

21/06/2021

Ngoài lĩnh vực công nghiệp thì những lĩnh vực khác của Đồng Nai như: thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đã từng bước tham gia vào kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhưng mới ở những bước sơ khai và chưa có sự gắn kết chặt chẽ tạo thành chuỗi. Việc này không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành trong cả nước cũng gặp phải.


Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn đặt môi trường lên hàng đầu và trong phát triển kinh tế sẽ không chấp nhận hy sinh môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng cao. Tỉnh có tiền đề tốt để thực hiện KTTH đó là đã và đang theo lộ trình đầu tư sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng đến nông nghiệp sạch, hình thành chuỗi khép kín, tái sử dụng phế phẩm, chất thải trong sản xuất. Tập trung phát triển du lịch sinh thái, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất đai có hiệu quả...



Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech
ở KCN Nhơn Trạch 2 thu hồi tái chế sản phẩm,
chất thải hạn chế xả ra môi trường hướng đến
phát triển bền vững Ảnh: U.NHI
Thành quả bước đầu
Ngoài công nghiệp thì Đồng Nai cũng là một trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Trong xây dựng nông thôn mới, có một số tiêu chí tương tự trong phát triển KTTH như: sản xuất cây trồng, vật nuôi đặt mục tiêu loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường, khai thác hiệu quả đất đai. Hiện nay, các nhà vườn ở Đồng Nai đã chú trọng đến việc áp dụng các quy trình sản xuất an toàn ít gây hại cho môi trường; đồng thời, cung cấp cho người tiêu dùng nông sản sạch. Người tiêu dùng đã ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh.
Bên cạnh đó, đất đai cũng được người dân khai thác hiệu quả hơn, thu nhập trên 1 ha đất nông nghiệp dần được nâng lên. Đến nay, bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai thu được hơn 120 triệu đồng/năm. Cá biệt, có những nhà vườn trồng cây ăn trái thu từ 500 800 triệu đồng/ha/năm. Tuy là tỉnh có công nghiệp phát triển với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng Đồng Nai vẫn giữ được gần 170 ngàn ha rừng (diện tích rừng lớn nhất khu vực Đông Nam bộ). Rừng ở Đồng Nai được coi như lá phổi xanh của khu vực phía Nam và trong rừng lưu giữ được nhiều loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Đồng Nai khuyến khích được nhiều DN, người dân sử dụng năng lượng mặt trời bằng cách tự đầu tư hệ thống làm điện để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, hạn chế sử dụng nguồn điện sản xuất từ than đá, thủy điện gây hại cho môi trường. Tỉnh đã có chính sách mời gọi DN đầu tư làm điện năng lượng mặt trời trên mái nhà máy ở các khu công nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Thanh Phong, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp được thành lập với trên 10 ngàn ha rất thuận lợi cho phát triển các dự án điện mặt trời. Thời gian qua, có nhiều DN đến tỉnh thuê mái các nhà máy trong khu công nghiệp để làm điện mặt trời.
Cần có hành lang pháp lý hoàn thiện
Với các nước trên thế giới, KTTH đã được nhắc đến từ cách đây nhiều năm và các chính sách để phát triển khá chi tiết, đầy đủ, tạo điều kiện cho các địa phương, DN, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Tại Việt Nam, KTTH mới được nhắc đến nhiều trong khoảng 3 năm trở lại đây. Với các tỉnh, thành, KTTH còn khá mới mẻ nên rất cần Chính phủ có chính sách rõ ràng. Hiện nay, Việt Nam chưa có khung chương trình quốc gia về KTTH dù nội dung KTTH đã được nhắc đến trong nhiều chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, việc xây dựng và triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng xanh, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh theo KTTH vẫn còn hạn chế.
Vì thế, muốn đẩy mạnh khai thác các mô hình, sáng kiến về KTTH của các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, năng lượng..., Chính phủ cần ban hành những chính sách toàn diện, cụ thể cho mỗi vùng, khu vực và từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về KTTH để làm cơ sở đề xuất, xây dựng và hoàn thiện chính sách KTTH, phù hợp với các chính sách hiện hành của Việt Nam. Để từ đó các địa phương, DN có thể ứng dụng, phát triển hiệu quả mô hình KTTH, tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Trên thế giới, những quốc gia là điểm sáng trong thực hiện KTTH và đã gặt hái được nhiều thành quả là Anh, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Canada, Hàn Quốc, Singapore... Theo các chuyên gia kinh tế, từ kinh nghiệm của các quốc gia đang thực hiện KTTH, Việt Nam nên sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng KTTH.              


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>