Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Đưa sản phẩm công nghệ và thiết bị nông nghiệp lên sàn giao dịch

06/06/2022
Hơn 70 sản phẩm công nghệ của 40 doanh nghiệp, trong đó nhiều sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp được ra mắt tại sàn giao dịch công nghệ tỉnh Bình Phước.

Trong 2 ngày 30 – 31/5/2022 tại trung tâm Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã diễn ra sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Bình Phước. Hoạt động này nhằm kết nối cung cầu, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh; đồng thời, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh có tỉ trọng sản xuất nông nghiệp cao, hoạt động đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa phục vụ nông nghiệp.

Một góc khu trưng bày các sản phẩm tại sự kiện.
Ảnh: Trần Trung
Là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tưới tự động, tại sự kiện, công ty cổ phần nông nghiệp xanh, nhà phân phối chính thức hệ thống tưới tự động của công ty Naandanjain – Israel tại Việt Nam đã trình làng các sản phẩm về vòi phun bù áp Aquasmart, đồng thời giới thiệu các phương pháp tưới tự động tối ưu như làm mềm nước cứng và nâng cao pH bằng cách tạo giàn phun mưa tự nhiên, hệ thống tưới phun gốc, tưới phun treo trong nhà kính và ngoài trời….với cấu tạo đơn giản, dễ dàng tháo, lắp… đã thu hút nhiều hợp tác xã (HTX), nông dân tại địa phương đến tham quan.
Anh Ngô Phước Khánh, Giám đốc HTX Bưởi da xanh GlobalGap Bù Đốp cho biết, hiện Bình Phước nói chung và HTX nói riêng đã và đang áp dụng các công nghệ cao như: công nghệ sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… vào sản xuất nông nghiệp, qua đó giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm của công ty cổ phần nông nghiệp xanh thật sự đã đem đến giải pháp hữu ích cho HTX và người nông dân địa phương.
Chị Nguyễn Huỳnh Hương – Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ – Công ty CP Nông nghiệp Xanh chia sẻ, Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng là thị trường tiềm năng để phát triển hệ thống tưới tự động bởi nông dân địa phương sở hữu diện tích đất canh tác lớn, bình quân mỗi hộ từ 5 ha trở lên, thậm chí hàng trăm ha. Trong khi xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang dần phổ biến. Công ty kỳ vọng sẽ giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, nhân công, nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt là nông sản sạch. Thời gian tới, bên cạnh tham gia sàn giao dịch, công ty sẽ mở thêm các đại lý đồng thời cử cán bộ kỹ thuật đến tận vườn rẫy giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập.
Sự kiện còn thu hút nhiều công ty trong lĩnh vực cơ khí, tiêu biểu, Công ty Cơ khí chế tạo Lĩnh (phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài) chuyên cung cấp các loại máy móc đa năng do chính anh Lĩnh mày mò, nghiên cứu, cải tiến có thể thay thế con người trong việc chăm sóc, chế biến cao su như máy thổi lá, máy phun xịt, máy bơm mủ…
Đứng bên sản phẩm phun thuốc đa năng mà anh tâm đắc nhất, anh Nguyễn Văn Lĩnh – Giám đốc công ty chia sẻ, để phun thuốc trừ bệnh cho cây cao su, thông thường, người nông dân sử dụng bình phun xịt dạng bơm tay và mang trên người để phun xịt, người sử dụng do tiếp xúc trực tiếp với thuốc vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa tốn nhân công. Theo đó, máy do anh thiết kế gồm hệ thống động cơ, bồn chứa nước 500 lít và chiếc rơ-moóc máy cày 20 mã lực. Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên lý của của máy bơm công nghiệp, nhờ vào lực ly tâm, từ đó, tạo ra sự phối hợp giữa lưu lượng, áp suất, tần suất trọng lực và trọng lượng riêng của chất lỏng tạo thành động năng khiến nước chuyển động. Hệ thống có khả năng phun cao và phun xa 25 – 30m.
Anh Nguyễn Văn Lĩnh bên sản phẩm máy
phun xịt “5 trong 1” anh tâm đắc nhất. Ảnh: Trần Trung
“Chỉ trong vòng 1 giờ, hệ thống có thể phun được 3 đến 4 ha cao su, so với cách truyền thống tiết kiệm được 50% lượng nước và thuốc sử dụng, thời gian phun cũng được rút ngắn hơn 40%, đặc biệt người phun hạn chế tiếp xúc với thuốc, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan. Ngoài ra, công ty cung cấp máy thổi lá cao su có thể quay 180 độ, tốc độ thổi lá 3 ha trong một giờ. Hiện các sản phẩm của công ty không chỉ cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang các nước như Lào, Campuchia... Công ty sẵn sàng chuyển giao công nghệ để cơ giới hóa nông nghiệp, giúp nông dân giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân lực..”, anh Lĩnh tiết lộ.
Bện cạnh đó, sự kiện lần này còn thu hút các sản phẩm máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, hệ thống sấy năng lượng mặt trời, phân bón vi sinh, hệ thống bóc tách, phân loại, chế biến hạt điều và các sản phẩm đặc trưng khác tại địa phương. Theo Sở KH-CN Bình Phước, ngoài sàn giao dịch trực tiếp được xây dựng tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ với diện tích 200 m2, sàn có một số phòng chức năng trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị và các sản phẩm được làm ra từ những thiết bị công nghệ tiên tiến… tỉnh Bình Phước còn ra mắt website với hơn 6.000 công nghệ chào bán, gần 1.000 nhà cung ứng, 934 tổ chức và chuyên gia tư vấn, phục vụ giao dịch online.
Nằm trong chuỗi hoạt động diễn ra tại sự kiện còn có lễ ký kết hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển thị trường khoa học – công nghệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết 7 hợp đồng giao dịch chuyển giao công nghệ và thiết bị như: đầu máy cắt tách vỏ cứng hạt điều tự động, máy sấy nhiệt thế hệ mới Vinatech, thiết bị bơm mủ thế hệ mới trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ còn phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khoa học – công nghệ tổ chức 11 hội thảo chuyên đề, khoảng 400 lượt người tham gia. Những hội thảo này nhằm giới thiệu đến các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh những công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất đã được ứng dụng thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực.
Lễ ký kết hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng
và phát triển thị trường khoa học – công nghệ tại sự kiện.
Ảnh: Trần Trung
Bà Bùi Thị Minh Thúy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước cho biết, việc hình thành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa các nhà khoa học với nhà sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại hóa sản phẩm công nghệ thiết bị, kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, giúp cho hoạt động này trở nên hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí; tạo môi trường và công cụ thuận lợi giúp các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động hợp tác, phối hợp trong xúc tiến, phát triển thị trường công nghệ giữa tỉnh Bình Phước với các địa phương khác. “Đây là sự kiện quan trọng lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Phước, đánh dấu sự khởi đầu thực hiện hệ thống giải pháp trong chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ của quốc gia. Việc phát triển các tổ chức trung gian của thị trường như Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị hôm nay là một nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ”, bà Bùi Thị Minh Thúy nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>