Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hàng Việt sang Liên minh Kinh tế Á – Âu: “Chia tay” ưu đãi thuế quan

31/05/2021

Sau 5 năm thực thi FTA với Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang khối này sẽ ra khỏi diện hưởng ưu đãi thuế quan (GSP) vào cuối năm nay.


 Thúc đẩy xuất khẩu là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Chí Cường

Hàng Việt sang EAEU hết hưởng ưu đãi
EAEU gồm 5 nước (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng GSP từ tháng 10/2021. GSP là hệ thống ưu đãi thuế nhập khẩu mà EAEU đơn phương dành cho một số quốc gia đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Như vậy, sau 5 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU (VN-EAEU FTA), Việt Nam đã không còn nằm trong danh sách các nước kém phát triển để hưởng thuế ưu đãi. Bù lại, các ngành hàng xuất khẩu của nước ta vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết trong FTA song phương với EAEU.
Sự thay đổi này dự kiến tác động nhiều đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng ưu đãi GSP sang thị trường các nước EAEU, chủ yếu là Nga, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khối này, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu trong EAEU.
Trước đó, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á Âu đã thông qua Quyết định 17 về việc điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống GSP của EAEU. Trong đợt này, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á Âu đã đưa 75 nước đang phát triển và 2 nước kém phát triển nhất ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi GSP vì không còn phù hợp với tiêu chí được hưởng hỗ trợ kinh tế từ EAEU. Việc thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/10/2021.
Cơ chế ưu đãi thuế GSP của EAEU đối với Việt Nam đáng lẽ đã chấm dứt ngay sau khi VN-EAEU FTA có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Thương mại Việt Nam với EAEU vẫn đang nghiêng về Việt Nam xuất siêu (năm 2020 xuất siêu 1 tỷ USD), nhưng để xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào khối này vẫn còn nhiều trở ngại. Khu vực thị trường này đặt ra ngưỡng đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như gạo, hàng dệt may, hay sự thiếu thống nhất về quy định kiểm dịch, tiêu chuẩn đang phần nào tạo nên những rào cản trong xuất khẩu của Việt Nam.
Lưu ý thời gian thực thi quy định mới
Với quy định mới của EAEU, từ đầu tháng 10/2021, các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường EAEU, đặc biệt là thị trường Nga, cần chú ý đến thời hạn này để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu của mình cho phù hợp. “Không được hưởng GSP, nhưng hàng hóa vẫn được hưởng ưu đãi theo FTA song phương, nên doanh nghiệp thuộc mỗi ngành hàng cần tìm hiểu kỹ lộ trình cắt giảm thuế quan nhằm tận dụng hết ý nghĩa của FTA”, bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay.
Tất nhiên, để có ưu đãi theo FTA, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa xuất khẩu thỏa mãn quy tắc xuất xứ và cả điều kiện hạn ngạch của từng nhóm hàng. Chẳng hạn với các mã hàng dệt may, nếu vượt mức ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2020 sẽ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế MFN trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng. Do đó, với khu vực EAEU, các doanh nghiệp cũng được Bộ Công Thương khuyến nghị tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ VN-EAEU FTA thay thế cho cơ chế GSP sẽ chấm dứt trong thời gian tới. Từng được kỳ vọng là FTA thế hệ mới, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu, nhưng sau 4 năm triển khai VN-EAEU FTA, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EAEU mặc dù đã được cải thiện đáng kể (tăng trung bình hơn 20%/năm), nhưng giá trị tuyệt đối vẫn còn khá thấp.
Thống kê của hải quan cho biết, năm đầu tiên đi vào thực thi, thương mại Việt Nam EAEU tăng hơn 30%, đạt 3,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 900 triệu USD (xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU đạt 2,4 tỷ USD, tăng 36%; nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25%). Năm 2020, đạt 5,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EAEU đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2019, nhập khẩu từ EAEU khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2019. Trong EAEU, quan hệ thương mại của Việt Nam với Liên bang Nga hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 93,7%, với 4 nước thành viên còn lại khá khiêm tốn (với Cộng hòa Kazakhstan chiếm 4,6%, với Cộng hòa Belarus chiếm khoảng 1,4%, Armenia và Kyrgystan là khoảng 0,12%).
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu sang EAEU còn thấp, trừ Nga, 4 thị trường còn lại chưa được khai thác hiệu quả do doanh nghiệp Việt vẫn thiếu thông tin về thị trường với những ưu đãi cụ thể từ FTA. Để khơi thông xuất khẩu, đại diện Vụ Thị trường châu Âu châu Mỹ cũng đề xuất, Việt Nam và EAEU cần nghiên cứu để tiến tới bỏ điều khoản về biện pháp phòng vệ ngưỡng, công nhận sự tương đương trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như thay đổi một số điều khoản trong chương quy tắc xuất xứ hàng hóa.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>