Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020

13/01/2020

Nhiều chuyển biến phức tạp của kinh tế thế giới dường như không gây ảnh hưởng tiêu cực mấy tới nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam, nhưng lại giúp đem đến khá nhiều yếu tố thuận lợi trong tăng trưởng. Theo dự báo, kinh tế đất nước sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.


 

Các diễn giả thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2020. Ảnh Đ.Doãn
Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo kinh tế vĩ mô có chủ đề “Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020” vừa được Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 06/01/2020. Sự kiện đã thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, giới nghiên cứu, học thuật cả ở khu vực phía Nam lẫn phía Bắc.
Tăng trưởng cao trạng thái bình thường mới của kinh tế Việt Nam
Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Đức Trung Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế thế giới và khu vực thời gian gần đây có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.
Các hiện tượng này trước đây được xem là bất thường, nhưng do xảy ra thường xuyên hơn nên hiện được biết đến như là những điều “bình thường mới”. Những điều “bình thường mới” này cùng các vấn đề địa chính trị ở một số khu vực đã làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong khi góp phần tạo ra trạng thái mới, tích cực cho nền kinh tế Việt Nam về thương mại, vốn FDI, lạm phát, lãi suất…
Nếu nhìn vào bức tranh tăng trưởng từ năm 2017 trở lại đây, dễ dàng nhận thấy nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Tức là kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực.
“Đó là tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu. Những hiện tượng trên là khác biệt rất tích cực, nhưng đã diễn ra lặp đi lặp lại trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2017 đến năm 2019) nên dường như đã tạo cảm giác đó là những việc hiển nhiên, bình thường. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016 2020” – ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Trung chia sẻ về trạng thái bình thường mới của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh Đ.Doãn
Ngành nào hưởng lợi?
Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, xu hướng “bình thường mới” của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế. Lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại.
“Tuy nhiên, tình trạng “bình thường mới” này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước các rủi ro tài chính xuất phát từ sự lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng khá, đồng thời lạm phát và lãi suất dài hạn kỳ vọng ở mức thấp. Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình như tắc nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU, quá trình Brexit… có nguy cơ tạo ra những cú sốc thương mại đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam” – ông Nguyễn Đức Trung lưu ý.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam cũng đưa ra quan điểm lạc quan đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020, nhưng mức tăng trưởng sẽ không mạnh như năm 2019; đồng thời nêu 2 yếu tố và khuyến nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp nên quan tâm. Thứ nhất, đó là sẽ có dòng vốn đầu tư công lớn đổ vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Thứ hai là có thể nhận biết được dòng vốn FDI thực chuyển dịch từ Trung Quốc vào Việt Nam, bởi năm 2019 vốn FDI mới chỉ dừng ở mức cam kết chứ chưa thực sự chuyển vào Việt Nam.
“Còn về ngành hưởng lợi nhiều nhất, tôi dự đoán sẽ là nhóm ngành liên quan đến hoạt động logictics” – ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đ.Doãn
Quan điểm lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2020 cũng được TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu ra tại hội thảo. Về ngành nghề hưởng lợi, ông Võ Trí Thành liệt kê một loạt các ngành nghề đang là xu hướng của cả thế giới như du lịch và lưu trú, giáo dục, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, logictics, công nghệ lưu trữ dữ liệu… Riêng tại Việt Nam, 3 lĩnh vực mà nhà đầu tư đang quan tâm hiện nay gồm: Nhóm liên quan đến dịch vụ tiêu dùng, nhóm liên quan đến dịch vụ công nghệ hỗ trợ và nhóm liên quan đến tài chính, đặc biệt là bất động sản./.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>