Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Ngành gỗ dăm: Chuyển hướng sản xuất

01/06/2020
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng với thị trường thế giới có sự chuyển dịch mạnh nên ngành chế biến gỗ, xuất khẩu dăm gỗ của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã đa dạng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc...

Doanh nghiệp gặp khó khăn
Quảng Ngãi hiện có 24 nhà máy chế biến gỗ, xuất khẩu dăm gỗ, với tổng công suất gần 1,4 triệu tấn/năm. Uớc tính có khoảng 80% sản phẩm dăm gỗ phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Số còn lại xuất sang Nhật Bản. Hiện chi phí vận chuyển, sản xuất, nhân công...ngày càng tăng, nhưng giá sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu sụt giảm. Nếu như năm 2019 mỗi tấn gỗ dăm xuất khẩu giá khoảng 126 USD, thì trong quý I năm nay giảm còn 122 USD/tấn. 
Công nhân Nhà máy Chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Trà Bồng đang chế biến gỗ xẻ
Một số nhà máy mua keo non hoặc cây gỗ tạp nên gỗ dăm xuất khẩu kém chất lượng. Điều này dẫn đến đối tác Trung Quốc ép giá, gây ảnh hưởng chung đến ngành chế biến dăm gỗ ở tỉnh ta và các tỉnh miền Trung. Giám đốc Nhà máy Chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Trà Bồng Lê Văn Hòa cho biết: Trong quý I/2020, sản lượng chế biến gỗ dăm của nhà máy giảm 30 40% so với cùng kỳ năm trước.
Cảng Gemadept là một trong ba cảng lớn của khu vực Dung Quất chuyên về xuất khẩu gỗ dăm. Uớc tính khoảng 95  100% mặt hàng qua cảng là nguồn nguyên liệu này. Bình quân mỗi năm có tới 50 lượt tàu vào cảng với sức chứa khoảng 38.000 tấn gỗ dăm/tàu. Nếu năm 2019, sản lượng dăm gỗ thông qua khu vực cảng Dung Quất là 2,7 triệu tấn, thì đến năm 2020 dự báo chỉ còn khoảng 2,3 triệu tấn. Trong đó, 4 tháng đầu năm 2020, toàn khu vực giảm 12% sản lượng, riêng cảng Gemadept giảm tới 15%. Nguyên nhân chính là do các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản có sự lựa chọn khác về đối tác nên sức mua giảm sâu.
Đa dạng sản phẩm
Theo Phó Giám đốc Group Nhất Hưng Võ Thị Thúy Hằng, trước tình hình khó khăn chung của ngành xuất khẩu gỗ dăm, doanh nghiệp tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ chuyển dần sang chế biến gỗ xẻ, ghép thanh tạo sản phẩm giá trị, gia tăng gỗ rừng trồng. Hiện nay, nhà máy chế biến gỗ dăm ở Quảng Ngãi mở ra quá nhiều. Vì vậy, để phát triển bền vững, doanh nghiệp chuyển sang chế biến sâu gỗ rừng trồng thành sản phẩm gỗ công nghiệp, vật dụng trang trí nội thất chất lượng, vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng, vừa nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc...
Tại Nhà máy Chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Trà Bồng cũng xảy ra tình trạng tương tự khi đơn hàng xuất đi chậm hơn trước, buộc nhà máy phải tăng thêm cưa xẻ, ghép tấm để xuất khẩu sang châu Âu và tiêu thụ nội địa. Tuy hoạt động kinh doanh không thuận lợi, nhưng nhà máy vẫn duy trì số lượng nhân công làm việc, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động. 
Phó Giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất Nguyễn Phong cho biết: "Để vượt qua khó khăn, chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chỉ số đầm nén, kiểm soát tốt tạp chất trong dăm; đồng thời tìm cách giải phóng tàu nhanh nhất có thể để doanh nghiệp bán hàng tăng lợi nhuận, bù vào chi phí sản xuất".
 
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Giám đốc Nhà máy Chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Trà Bồng Lê Văn Hòa chia sẻ: "Nhà máy quyết tâm vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hiện có hơn 100 công nhân làm việc thường xuyên tại đây vẫn đảm bảo tiền lương và các khoản khác theo đúng quy định. Việc bù lợi nhuận vào chi phí sản xuất là điều mà các doanh nghiệp không hề muốn, song trước ảnh hưởng “kép”, doanh nghiệp vẫn quyết tâm vượt qua khó khăn chung".


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>