Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Nhiều thách thức với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

27/12/2021

Chế biến, chế tạo là lực kéo cho tăng trưởng ngành công nghiệp nhưng lực kéo này chủ yếu vẫn ở khâu gia công lắp ráp. Giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn.


Với các nhà đầu tư nước ngoài, một điểm đến hấp dẫn đó là môi trường đầu tư ưu đãi, chi phí thấp, lao động dồi dào. Việt Nam là một điểm đến như vậy. Tuy nhiên, COVID-19 phần nào đó đã định hình chiến lược đầu tư có thể ít nhân công, năng suất lao động cao, giá trị gia tăng chuỗi cung ứng đầu cuối. Đây cũng chính là thách thức lớn với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.

Hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất còn thấp
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác.Đánh giá của các nhà đầu tư EU cho thấy, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).Hiện cả nước chỉ có gần 400 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đủ chất lượng, đã tham gia chuỗi cung ứng của các công ty FDI và xuất khẩu, tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nhu cầu đào tạo chuyển giao công nghệ
Một trong những yếu tố để hấp thụ công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh đó là yếu tố nguồn lao động. Nhà đầu tư, các tập đoàn lớn đang nhu cầu lao động có tay nghề và được đào tạo quay trở lại các khu công nghiệp, nhà máy, công nghệ cao để vào guồng sản xuất nhanh nhất, hiệu quả nhất để kịp cho đầu tư mới, dây chuyền sản xuất ổn định.
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khóa học đầu tiên được tổ chức trong năm nay thuộc đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế và gia công cơ khí chính xác” của các ngành công nghiệp hỗ trợ.Với lớp học chuyên sâu về thiết kế, gia công và vận hành khuôn mẫu – 1 trong 6 công nghệ cốt lõi – các học viên có cơ hội nâng cao tay nghề của mình, đáp ứng các yêu cầu sản xuất khuôn mẫu. Học viên ở những lớp đào tạo này là các kỹ sư, kỹ thuật viên đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và các trường, học viện trung tâm đào tạo phía Bắc. Nhu cầu đào tạo hiện nay đang rất lớn để đáp ứng được hàng loạt các doanh nghiệp FDI lĩnh vực công nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh minh họa Nguồn: Báo Đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Quê – Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay: “Thống kê gần đây chỉ ra rằng trang thiết bị công nghệ cũng như nhân sự trong ngành khuôn mẫu của Việt Nam chỉ chiếm 60 – 70% mặt bằng chung trên thế giới. Trong quá trình xây dựng dự án, chúng tôi đã lấy ý kiến của các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam cùng với chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 thì chúng tôi đã xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với từng giai đoạn.Chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lực kéo cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Nhưng lực kéo này chủ yếu vẫn ở khâu gia công, lắp ráp. Giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi dòng vốn FDI chất lượng cao đang định hình lại sau đại dịch COVID-19.


Ban Thời sự: nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/nhieu-thach-thuc-voi-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-20211224051927969.htm, ngày 24/12/2021 (VQ trích dẫn)



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>