Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Việt Nam phản ứng nhanh với COVID-19, điều hành linh hoạt kinh tế

14/06/2021

Truyền thông nước ngoài và chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam là một trong nhữngnước tại Đông Nam Á chủ động nhất và thành công trong công tác chống dịch COVID-19 và là một trong số ít nước ở châu Á đạt tăng trưởng kinh tế.


 Việt Nam đang đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam ưu tiên chống dịch đi kèm với phát triển kinh tế
David Hutt, cây bút chuyên bình luận về Đông Nam Á, đã nhận định tích cực về phản ứng nhanh và đồng bộ của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát mới hiện nay. Trả lời phỏng vấn BBC, nhà báo Hutt cho rằng, Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên chống dịch đi kèm với phát triển kinh tế. Xét về cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Việt Nam thực hiện rất tốt trong hầu hết năm 2020. Chính phủ đã ưu tiên vấn đề an toàn lên trên mục tiêu kinh tế.
Nhà báo này cũng đề cập thực tế là tại một số tỉnh phía Bắc, nơi có các khu vực công nghiệp sản xuất công nghệ cao, các cơ quan chức năng đã khoanh vùng dịch nhanh gọn và triển khai tiêm vaccine cho công nhân tại 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Việt Nam, bao gồm cả chính phủ tiền nhiệm và chính phủ mới, đã làm rất tốt và phản ứng rất nhanh. Khi số ca tăng lên, Việt Nam đã chủ động phản ứng và hành động đồng bộ bằng nhiều biện pháp. Việt Nam không chỉ áp dụng giãn cách, ngừng nhập cảnh, truy vết, mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng được yêu cầu nhanh chóng thay đổi cách bố trí lao động. Điều này có nghĩa là nền kinh tế vẫn hoạt động tốt nhất có thể. Mặc dù số lượng vaccine hạn chế, song cơ quan chức năng đang nhanh chóng phân phối vaccine tới các khu công nghiệp có tầm quan trọng kinh tế cao. Theo ông, tất cả các nước đều phải cân nhắc giữa chống dịch và phát triển kinh tế và cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ này.
Chính phủ điều hành linh hoạt
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, Giám đốc ADB Việt Nam Andrew Jeffries nhận định, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với các tác động kinh tế của COVID-19, có công cụ mạnh để bảo đảm khả năng phục hồi của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ phù hợp thông qua việc cắt giảm lãi suất chính cùng với việc thực hiện các gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã tạo không gian “hồi sức” cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Andrew Jeffries đồng tình với việc Chính phủ triển khai Nghị định 52 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Việc gia hạn này sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp, giảm bớt tác động của cú sốc và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính cũng đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ với các hình thức hỗ trợ chủ yếu là gia hạn tiền thuế và cho thuê đất. Tuy nhiên, theo ông Jeffries, mặc dù phản ứng là khá nhanh chóng, nhưng cũng cần thừa nhận rằng, quy mô hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia khác với hỗ trợ tài chính lên tới 15% – 20% GDP như ở Pháp, Anh hoặc Singapore. Dù vậy, ADB nhận định, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế lại bị tác động bởi COVID-19, khó có thể kỳ vọng vào việc Chính phủ đổ ngân sách nhiều vào việc hỗ trợ.
Giám đốc ADB tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam là ngành công nghiệp với sản xuất định hướng xuất khẩu. Tiếp theo là sự gia tăng đầu tư, cả đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân. Cùng với đó là động lực từ việc sự gia tăng thương mại quốc tế. Mặc dù đại dịch còn gây ra những khó khăn, sự phục hồi của 2 đối tác làm ăn quan trọng cũng như 15 hiệp định thương mại tự do và Việt Nam với nhiều bạn hàng lớn sẽ là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư – ông Jeffries nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>