Tin tức

Lối đi nào cho ngành săm lốp?

19/07/2021

Bên cạnh những thuận lợi về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp săm lốp đang gặp khó khăn do giá cao su thiên nhiên và cước vận chuyển tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Ngành săm lốp Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng và lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp săm lốp đang gặp khó khăn do giá cao su thiên nhiên và cước vận chuyển tăng cao bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để thích ứng, các doanh nghiệp ngành này đang tìm cho mình lối đi riêng.

Ngành săm lốp đang đứng trước cả cơ hội xen lẫn
khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Giai đoạn vàng cho xuất khẩu
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), hiện đang là giai đoạn vàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp của Việt Nam. Tỷ lệ tăng trưởng săm lốp xuất khẩu, đặc biệt như thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng mạnh ở mức 15%/năm. VCBS cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành lốp xe tìm kiếm các quốc gia có lợi thế cạnh tranh về cao su là Thái Lan và Việt Nam để dịch chuyển chuỗi cung ứng. Điều này dẫn đến việc sản lượng săm lốp sản xuất và xuất khẩu tại Thái Lan và Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng ở mức 2 chữ số một vài năm trở lại đây. Thông thường, khi một thị trường bùng nổ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, nước này đã làm một cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá và trợ cấp.
Với lợi thế Việt Nam là quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên lớn, các doanh nghiệp săm lốp đang có cơ hội cạnh tranh hơn so với các sản phẩm tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).  Bên cạnh đó, đối với thị trường châu Âu, doanh nghiệp xuất khẩu săm lốp của Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, với lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm đối với phụ tùng ô tô.
Nắm lấy cơ hội kinh doanh
Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi về thị trường xuất khẩu thì việc giá cước vận tải và nguyên liệu đầu vào tăng cao là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp săm lốp. Theo Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), cao su chiếm xấp xỉ từ 40 – 50% chi phí sản xuất lốp xe, trong khi giá cao su nửa đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp săm lốp. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao. Trong tháng 4/2021, chi phí vận chuyển bằng đường biển sang bờ Tây và bờ Đông nước Mỹ lần lượt là 5.000 USD/container và 8.000 USD/container. Chi phí này trong tháng 5 đã tăng thêm 50% so với tháng 4 lên lần lượt là 7.500 USD/container đến bờ Tây và 12.000 USD/container đến bờ Đông. Theo HSC, trong tháng 6, chi phí vận chuyển đường biển sang Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Đứng trước những cơ hội và khó khăn đan xen, dựa trên những điểm mạnh của riêng mình, doanh nghiệp ngành săm lốp đã lựa chọn những lối đi riêng để nắm lấy cơ hội kinh doanh.
Dây chuyền sản xuất lốp xe tại một công ty
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam TTXVN
Có thế mạnh về xuất khẩu, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán: DRC) đã đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tìm kiếm thêm thị phần. Bắt đầu từ năm nay, Công ty đã nhận đơn hàng lốp bias (lốp mành chéo) từ Mỹ nhờ thâm nhập vào thị trường ngách là các dự án nông nghiệp và công trình. Lốp bias được sử dụng trong nông nghiệp và công trình sẽ không bị thay thế bởi lốp radial (lốp mành thép), tránh được sự cạnh tranh trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc, vì họ không tập trung vào những sản phẩm trên. Trong quý I/2021, Công ty đã xuất khẩu được 56.724 lốp bias, tăng 56,6 % so với cùng kỳ năm trước. Đối với lốp radial, Công ty đã nâng cấp chất lượng sản phẩm và tăng cường làm thương hiệu. Trọng lượng sản phẩm đã được giảm xuống để đáp ứng nhu cầu cao tại các thị trường xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, Công ty cũng đang thử nghiệm các sản phẩm dành cho xe tải đường dài và xe buýt với thương hiệu Dstar. Đây là phân khúc cao cấp và hiện chỉ có các doanh nghiệp FDI tham gia. Về kết quả kinh doanh, quý I/2021, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế gần 64 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với quý I/2020. Quý II/2021, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục tích cực, với mục tiêu 1.010 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng, lần lượt bằng 128% và 143% cùng kỳ năm ngoái.
Cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu sản xuất và xuất khẩu sản phẩm săm lốp của Việt Nam, Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam – Casumina (mã chứng khoán: CSM) lại chọn cho mình thị trường Nam Mỹ và Đông Âu. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa các sản phẩm mang thương hiệu Advenza. Hiện Casumina đã triển khai 44 trung tâm dịch vụ thay dầu, rửa xe, thay thế phụ tùng… trên toàn quốc, độc quyền quảng cáo Advenza và tiến tới sẽ có hơn 200 trung tâm dịch vụ tương tự. Bên cạnh đó, Công ty đã triển khai bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Kết thúc quý I/2021, Casumia đạt doanh thu 1.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 13,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,3% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo mức biên lợi nhuận quý II/2021 của công ty sẽ bằng quý I/2021, nhưng thấp hơn so với quý III và quý IV năm ngoái.
Không có thế mạnh xuất khẩu như Công ty CP Cao su Đà Nẵng và Casumina nên Công ty CP Cao su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC) đi theo hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, ngày 29/5, doanh nghiệp này công bố thông tin bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh gồm bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng; bán buôn sắt, thép và sản xuất điện mặt trời. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty vẫn là sản xuất sản phẩm cao su. Thực tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khá tích cực trong quý I/2021, với doanh thu đạt 265 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, theo lãnh đạo doanh nghiệp, giá vật tư trong nước và nhập khẩu liên tục tăng, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do sức cầu yếu, sản phẩm của công ty chịu sự cạnh tranh quyết liệt với các công ty sản xuất cùng loại và hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận định, với tốc độ tăng trưởng ô tô thấp trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số lốp xe của các doanh nghiệp tại thị trường nội địa sẽ giảm trong năm 2021.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN, nguồn: https://bnews.vn/loi-di-nao-cho-nganh-sam-lop/203162.html, ngày 16/7/2021 (VQ trích dẫn)

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>