Tin tức

Ngành nông nghiệp trước tác động của CPTPP và EVFTA

21/10/2019

Tuy đặt ra nhiều thách thức, nhưng việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là lợi thế để ngành nông nghiệp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, cũng như hạn chế tối đa những bất lợi khi hội nhập.


“Các nước tham gia EVFTA và CPTPP không chỉ dồi dào về tài nguyên, trình độ kinh tế cao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý hàng hóa, mà còn có thế mạnh về liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Để hội nhập hiệu quả, ngành nông nghiệp cần khắc phục hạn chế về diện tích sản xuất, đảm bảo tập trung và quy mô
Trong khi đó, điều kiện của nước ta nói chung, Quảng Ngãi nói riêng còn thấp, nên CPTPP và EVFTA sẽ là thách thức rất lớn, nhất là ngành nông nghiệp”, PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá. Hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay chính là diện tích manh mún, sản xuất đơn lẻ theo kinh nghiệm, nông dân lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật... nên hiệu quả thấp, sản phẩm ít có giá trị cạnh tranh.
Hiệp định EVFTA và CPTPP đã chính thức được ký kết, mở ra cơ hội lớn về xuất khẩu. Trong khuôn khổ CPTPP, các nước thành viên cắt giảm trên 48% dòng thuế nông nghiệp về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và đạt mức trên 60% sau 10 năm. Riêng Úc, New Zealand và Singapore thì hầu hết các dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu tiên.
Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng việc tham gia 2 Hiệp định CPTPP và EVFTA là cơ hội để ngành nông nghiệp bứt phá, trong đó có việc thay đổi phương thức sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của mình. Trong năm 2018, nông sản nước ta đã xuất khẩu đến 190 thị trường, kim ngạch đạt 40 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh các ngành hàng, mặt hàng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những bước “trưởng thành” về mặt quản trị, liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến...
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất Nông nghiệp sạch Việt Vân hay Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trần Việt. “Đây là những DN tiên phong ứng dụng công nghệ Nhật Bản trong nhân giống và sản xuất rau, củ, quả, nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất, để tạo ra những sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đến thị trường các nước lớn”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đánh giá.
Tuy nhiên, một trong những khâu yếu của cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng là nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nghiên cứu, sản xuất và làm công tác tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu. Bởi khi tham gia các Hiệp định thương mại, rất dễ phát sinh các tranh chấp thương mại, như đã từng xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thủy sản.
“Vì vậy, song song với nguồn lực phục vụ sản xuất và nghiên cứu, Quảng Ngãi cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực tham gia xử lý tranh chấp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân, cũng như dự báo trước những rủi ro, để cảnh báo kịp thời cho nông dân và DN”, PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc đề xuất.

Thanh Phong, nguồn: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201910/nganh-nong-nghiep-truoc-tac-dong-cua-cptpp-va-evfta-2969005/index.htm, ngày 16/10/2019 (Th trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>