Tin tức

Phát triển hiệu quả cây cao su ở miền núi phía Bắc (Kỳ 2)

24/02/2016

 Bài 2: Cao su trong thời giảm giá
Theo Quyết định 750/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, toàn vùng Tây Bắc có khoảng 50 nghìn ha cao su. 


 Tuy nhiên, phong trào phát triển cao su ở các tỉnh Tây Bắc đang chùng xuống bởi mủ cao su toàn cầu giảm giá. Giá xuất khẩu mủ cao su từ hơn 100 triệu đồng/tấn, hiện đã xuống dưới 30 triệu đồng/tấn, khiến các công ty cao su ở Tây Bắc ngừng trồng mới, cắt giảm đầu tư và nhân công, chần chừ xây dựng nhà máy chế biến…

Phải là cao su đại điền
Cục Trồng trọt cho biết, hầu hết diện tích cao su đã trồng ở Tây Bắc thời gian qua là theo phương thức đại điền (chiếm 96%). Ngoài diện tích cao su đại điền tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, có tổng cộng 947 ha cao su tiểu điền (khoảng 4% diện tích). Bước đầu tại tỉnh Lai Châu có một phần diện tích cao su tiểu điền tại Phong Thổ do các hộ gia đình đầu tư đã khai thác với năng suất mủ khoảng 1,3 tấn/ha/năm. Riêng tỉnh Lai Châu chưa có chủ trương tiếp tục phát triển cao su tiểu điền do kỹ thuật và đầu tư chăm sóc của người dân còn rất hạn chế, vì vậy ba năm gần đây không trồng mới cao su tiểu điền trên địa bàn. Hiện nay, cơ cấu giống cao su các tỉnh Tây Bắc chú trọng là giống chịu lạnh đã được thử thách trong những lần rét đậm, rét hại vừa qua và từng bước sản xuất giống cao su tại địa bàn, trong đó có cả giống cao su chịu lạnh để chủ động thời vụ trồng, giảm một phần chi phí sản xuất giống cao su.
Qua kiểm tra, theo dõi, diện tích cây cao su đã trồng tại các tỉnh Tây Bắc sinh trưởng, phát triển đồng đều và ổn định, nhất là diện tích trồng sau năm 2011 bằng các giống cao su chịu lạnh. Bộ giống cao su năng suất cao ở các tỉnh Tây Bắc sinh trưởng phát triển đạt yêu cầu, tuy nhiên nhược điểm là mẫn cảm với thời tiết lạnh. Đối với các giống cao su chịu lạnh như VNg 77-4, IAN 873, tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, chịu lạnh tốt, vanh đều đạt theo quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Hiện nay, VRG tiếp tục chỉ đạo Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam khảo nghiệm bộ giống cao su mới ở các vùng sinh thái khác nhau tại Tây Bắc. Đây sẽ là cơ sở để chọn tạo giống mới cho vùng và rút kinh nghiệm để điều chỉnh cơ cấu giống cho phù hợp.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện chương trình phát triển cây cao su những năm qua để đưa ra các giải pháp cho những năm tiếp theo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, VRG và Cục Trồng trọt khẳng định, đây là một chương trình phát triển kinh tế – xã hội đặc biệt quan trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước mắt, vùng Tây Bắc phát triển cao su đại điền làm chủ đạo; vùng Đông Bắc thống nhất quy mô trồng thí điểm, nhưng phải bảo toàn, phát triển vốn. Đồng thời, đề nghị Cục Trồng trọt quan tâm chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cao su chịu lạnh để chủ động nguồn giống phục vụ tại chỗ, triển khai những biện pháp kỹ thuật tiên tiến phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai và trình độ canh tác của người dân. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa VRG và các tỉnh trong tổ chức thực hiện, bảo đảm hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Bảo đảm thu nhập cho người dân
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La – Cầm Thị Phong – cho biết, tổng diện tích cao su đã trồng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt hơn 7.000 ha. Tuy nhiên, do một số diện tích giống không phù hợp bị chết rét, hoặc không có năng suất mủ, cho nên hiện chỉ còn khoảng 6.200 ha. Tỉnh rất kỳ vọng ở cây cao su, thành lập ban chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng cao su với mức ba triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho công nhân với mức ba triệu đồng/người, hỗ trợ giá giống 15 nghìn đồng/gốc giống nhập khẩu. Tỉnh từng quy hoạch diện tích cao su lên 40 nghìn ha, nhưng hiện nay đã chỉ đạo ổn định ở 10 nghìn ha, trước mắt ổn định diện tích đã trồng, thống nhất xong tỷ lệ phân chia giữa VRG với người góp đất, hỗ trợ người dân chuyển nghề khác.
Giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La – Võ Nhật Duy – cho biết, năm 2016, diện tích cao su khai thác sẽ xuất bán mủ tươi, xây dựng nhà máy để chính thức chế biến vào năm 2017. Trước tình trạng giá mủ cao su giảm, ông Duy kiến nghị Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi: “Cao su là nông sản chủ lực, cũng chịu rủi ro như nhiều mặt hàng nông sản khác. Chúng tôi đã đầu tư 800 tỷ đồng, đang phải vay 200 tỷ đồng với lãi suất thương mại, vì vậy chúng tôi muốn được vay vốn ưu đãi trong thời kỳ giá mủ giảm mạnh”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – Lê Trọng Quảng, chuyện ứng phó với biến động thị trường phải thật bình tĩnh vì chu kỳ sản xuất dài, tác động đến nhiều người dân. Chính vì vậy, giai đoạn này, tỉnh xác định sẽ cùng doanh nghiệp sát cánh với người góp đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn về thu nhập và đời sống. Toàn tỉnh trước đây quy hoạch trồng 30 nghìn ha nhưng trước mắt sẽ ổn định ở khoảng 15 nghìn ha vào năm 2020.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Đức – cho biết, giá cao su đang ở mức thấp và dự báo vẫn duy trì mức giá này trong một vài năm tới. Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương trồng cao su đánh giá toàn diện khó khăn, thuận lợi về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hiệu quả sản xuất, tình hình quản lý, giám sát quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn. Từ đó có đề xuất các giải pháp phát triển cao su phù hợp. Trước mắt, tạm dừng trồng mới cao su; tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng; tăng cường tuyên truyền, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ, giá cả cao su về trung hạn và dài hạn, nâng cao nhận thức cho người trồng cao su nắm vững các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí đầu tư; duy trì và chăm sóc vườn cao su tránh việc tự phát chuyển đổi diện tích cao su sang cây trồng khác.
Trong điều kiện giá mủ cao su không có lợi cho người sản xuất, các địa phương căn cứ điều kiện đặc thù của mình để nghiên cứu triển khai đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón, nhưng cuối năm tiếp tục làm cỏ và chống cháy; đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản nằm ngoài vùng quy hoạch như trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, nếu vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn... Đối với những vườn cao su ở thời kỳ đang kinh doanh có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ d2 sang d3, d4 để giảm chi phí nhân công, tuy nhiên vẫn phải có biện pháp làm cỏ chống cháy để bảo vệ vườn cây. Đối với diện tích cao su kinh doanh tuổi lớn, nếu giá gỗ phù hợp và giống cao su cho năng suất không cao có thể thanh lý để chuẩn bị cho trồng tái canh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong các khâu chăm sóc, bón phân khai thác để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng giá trị sản xuất thông qua tăng cường chỉ đạo hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc cạo mủ cao su đúng quy trình kỹ thuật; khuyến khích các mô hình trồng xen nông – lâm kết hợp đối với cây cao su để tăng thu nhập.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh vùng Tây Bắc phối hợp VRG từng bước rà soát quy hoạch phát triển cao su theo hướng tập trung, tránh vùng không thuận lợi về khí hậu, đất đai. Trong đó, chỉ tiếp tục trồng mới cao su ở nơi có điều kiện thích hợp, thuộc vùng quy hoạch phát triển cao su đã được phê duyệt. Do phần lớn diện tích cao su ở Tây Bắc chưa kinh doanh, đề nghị UBND các tỉnh và VRG tiếp tục chỉ đạo các công ty cao su áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm xói mòn, trồng xen tăng thu nhập cho người trồng cao su; bảo đảm cao su phát triển ổn định và có hiệu quả khi chuyển sang kinh doanh. Trên cơ sở đó, từng bước đánh giá hiệu quả kinh tế đối với diện tích cao su đã khai thác mủ.
Trung Hùng Ngọc và Sơn Tuấn, nguồn: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/28845902-phat-trien-hieu-qua-cay-cao-su-o-mien-nui-phia-bac.html, ngày 23/02/2016 (Thanh Danh trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>