Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Nông dân Thái Lan chuyển từ sản xuất cao su sang nuôi cá rô phi do giá cao su thấp

17/09/2018

 Santichai Jongkiartkajorn, một nông dân 64 tuổi tại huyện Betong của tỉnh Yala, đã từ bỏ hoạt động sản xuất cao su vài năm. 


 Ông và gia đình chịu thua lỗ trầm trọng trong vài năm qua khi giá cao su liên tục duy trì ở mức thấp.

“Tôi không còn kỳ vọng nhiều vào thu nhập từ cây cao su bởi giá cao su quá thấp và vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu phục hồi nào về giá cao su”, ông Santichai cho hay, hiện vẫn đang sở hữu 15,2ha cao su. Nhưng ông Santichai lại kỳ vọng vào hoạt động sản xuất cá rô phi khi quyết định đầu tư vào nuôi 0,32ha vào năm 2007. Sau chỉ 4 tháng, ông đã thu về 450.000 Baht từ cá nuôi. “Nước chảy từ núi San Kala Khiri về rất trong, giàu dưỡng chất và không có tảo xanh nên cá rô phi tôi nuôi không có mùi đất”, ông Santichai cho hay. “Cá rô phi rất được ưa chuộng trong các nhà hàng tại Betong, với nhu cầu lên tới 400 – 500kg mỗi tháng”.
Nông dân nuôi cá rô phi tại Betong bán được với giá 90 – 95 Baht/kg (2,74 – 2,89 USD/kg), cao hơn nhiều so với mức giá 40 – 50 Baht/kg (1,22 – 1,52 USD/kg) mủ tờ cao su xông khói loại 3. Do nhu cầu cao, ông Santichai có kế hoạch tăng sản xuất cá rô phi lên 50 – 60 tấn trong năm tới trên diện tích 0,48ha, hy vọng thu về 4,5 triệu Baht. “Nuôi cá rô phi trên 3 rai có thể mang lại thu nhập nhiều hơn 95 rai trồng cao su”, ông cho biết thêm thu nhập từ vườn cao su của ông hiện chỉ ước đạt 7.500 Baht. Thu nhập từ nuôi cá cũng được kỳ vọng sẽ giúp gia đình ông trả được nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp Thái Lan.
Ông Santichai cũng có kế hoạch gia nhập một nhóm nông dân nuôi cá rô phi tại Betong để xuất khẩu cá rô phi phile đông lạnh sang Trung Đông, bắt đầu từ năm 2019. “Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch xuất khẩu có thể tăng giá trị cho cá rô phi và tạo ra doanh thu tốt hơn cho nông dân trong vùng”, ông phát biểu.
Chanathan Naruevestanont, 43 tuổi, trưởng nhóm nông dân nuôi cá rô phi tại Betong, cho biết nhóm đang chuẩn bị ký một hợp đồng với các công ty tư nhân trong tháng 9/2018 để xuất khẩu 100 – 150 tấn cá rô phi đông lạnh. Xuất khẩu dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2019. Theo ông Chanathan, các công ty tư nhân sẽ đầu tư vào các kho bảo quản lạnh, trong khi nông dân cung cấp cá rô phi tươi. Các chi tiết về hợp tác đầu tư chưa được chốt do quy trình sản xuất cũng phải thỏa mãn các nguyên tắc thực phẩm halal.
Nhóm nông dân này cũng muốn tăng cỡ cá rô phi nuôi lên 6 – 8kg/con, từ cỡ 3 – 4kg/con hiện nay. Cỡ cá lớn hơn sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, ông Chanathan phát biểu. Năm 2017, 11 thành viên của nhóm có tổng thu nhập 18 triệu Baht khi bán 200 tấn cá cho các nhà hàng tại Betong. Ông Chanathan cho biết nhóm đã thỏa luận với Bộ Thương mại Thái Lan về chứng nhận chỉ dẫn địa lý (GI) cho cá rô phi tại Betong, do cá nuôi tại đây khác hẳn với cá rô phi tại các khu vực khác.
Cá rô phi là một trong những sản phẩm và cơ chế mà vua Bhumibol Adulyadej để lại khi ông cho rằng nuôi cá là nguồn protein chất lượng cao, hợp túi tiền người Thái, đặc biệt là tại các khu vực xa xôi hẻo lánh. Thử nghiệm bắt đầu với cá rô phi Java, mà chính nhà vua đã tự nuôi trước khi cá rô phi Nile được hoàng tử Akihito của Nhật Bản giới thiệu cho ông vào năm 1965. Nhà vua đã đặt tên Thái cho loại cá này là pla nil và khuyến khích nông dân Thái Lan nuôi.
Năm 1989, Charoen Pokphand Group đã được hoàng gia cho phép phát triển pla nil bằng cách lai chéo với các nguồn giống cao cấp từ Mỹ, Đài Loan và Israel. Năm 1998, CP Group đã giới thiệu cá rô phi Nile lai, mà nhà vua đặt tên tiếng Thái là pla thapthim. Pla thapthim được người tiêu dùng Thái biết đến rộng rãi và tạo ra rất nhiều việc làm cho ngành nông nghiệp. Hàng năm, sản lượng pla nil và pla thapthim đạt tổng cộng 300.000 tấn, mang về 15 tỷ Baht doanh thu; trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 30.000 tấn hàng năm.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>