Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Thông cáo báo chí của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) về cuộc họp cấp Bộ trưởng năm 2019

04/03/2019

Ba Bộ trưởng từ các nước sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) lớn là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã tham dự Cuộc họp cấp Bộ trưởng của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) vào ngày 22/02/2019. Cuộc họp được tổ chức bởi Thái Lan với vai trò là nước sản xuất CSTN lớn nhất và diễn ra tại khách sạn Mandarin Oriental, Bangkok.


 Kết quả hình ảnh cho itrc rubber
Cuộc họp được chủ trì bởi ông Grisada Boonrach – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan. Đại diện cho các quốc gia thành viên khác gồm có ông Darmin Nasution – Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia và ông Teresa Kok – Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia. Ba Bộ trưởng đã tham dự cùng với các quan chức cấp cao từ các chính phủ và thành viên Ban quản trị của Công ty Cao su quốc tế (IRCo) – một công ty được thành lập bởi ba nước thành viên ITRC.
Cuộc họp cấp Bộ trưởng được tổ chức với mục tiêu tìm ra các biện pháp để ứng phó mức giá CSTN thấp hiện nay. Trong cuộc họp, các Bộ trưởng đã chia sẻ quan điểm về thị trường CSTN và thảo luận về các vấn đề và nỗ lực liên quan để đảm bảo tình trạng cung cầu cân bằng và thuận lợi, hướng đến đạt được mức giá phù hợp và có lợi.
Các Bộ trưởng đã xem xét thị trường và giá CSTN vốn đã ở mức thấp trong suốt năm 2018 cho đến đầu năm 2019. Tâm lý thị trường tiêu cực và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường cao su, sinh kế của hàng triệu hộ cao su tiểu điền. Tuy nhiên, các Bộ trưởng lạc quan với sự cải thiện của giá CSTN thế giới kể từ giữa tháng 12/2018, giảm khó khăn cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các hộ tiểu điền. Các Bộ trưởng hy vọng rằng giá CSTN sẽ cải thiện về mức hợp lý. Các hộ tiểu điền sẽ tiếp tục trồng và thu hoạch mủ khi giá CSTN cải thiện.
Các Bộ trưởng đã xem xét các lựa chọn cải thiện giá cả trong tình hình thị trường hiện tại và xây dựng các kế hoạch hành động để đảm bảo tính hiệu quả của các biện pháp phối hợp có liên quan theo Hợp tác.
Các Bộ trưởng nhắc lại quan điểm về tầm quan trọng của Kế hoạch thỏa thuận hạn mức xuất khẩu (AETS) như một công cụ hiệu quả để giải quyết sự mất cân bằng tồn kho tạm thời trên thị trường thế giới. Về vấn đề này, các Bộ trưởng đã quyết định thực hiện AETS nhằm giảm xuất khẩu của ba nước thành viên với khối lượng 200.000 – 300.000 tấn. Các Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các viên chức cấp cao của ITRC để thảo luận chi tiết về việc triển khai AETS trong vòng hai tuần tại Thái Lan.
Các nước thành viên sẽ tiếp tục triển khai các dự án theo Kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ (DPS) nhằm tăng mức tiêu thụ nội địa đáng kể. Ngoài dự báo mức tiêu thụ 700.000 tấn hàng năm thường lệ, Thái Lan đang triển khai dự án DPS và sẽ tiêu thụ thêm 270.000 tấn cao su. Ngoài ra, Thái Lan đã triển khai Chiến dịch thị trường chiến lược thông qua sáu thị trường cao su hàng thực, nhờ đó giúp giá CSTN nội địa được cải thiện. Với hoạt động này, khối lượng giao dịch cao su thực năm 2018 tăng 105.600 tấn với tổng giá trị là 225 triệu USD.
Trong khi đó, Malaysia sẽ tiếp tục dự án đường cao su. Chính phủ nước này đã phê duyệt ngân sách 100 triệu Ringgit (24,5 triệu USD) cho việc bảo trì và xây dựng đường bộ sử dụng hỗn hợp CSTN và nhựa đường.
Tại Indonesia, cao su thiên nhiên được sử dụng trong các dự án hạ tầng khác nhau như đường bộ, giảm chấn đường sắt, dải phân cách đường, đệm cầu đường và lốp xe đắp lại.
Các Bộ trưởng cam kết tiếp tục và tăng cường triển khai Kế hoạch quản lý nguồn cung (SMS). SMS là kế hoạch cần thiết để đạt được sự cân bằng cung cầu CSTN dài hạn. Các quốc gia thành viên được khuyến khích đẩy nhanh tái canh CSTN cũng như chuyển sang các loại cây trồng khác. Thái Lan tiếp tục tái canh cây cao su thêm 65.000 ha/năm. Trong khi đó, Indonesia sẽ bắt đầu tái cây cao su 50.000 ha/năm và Malaysia đang thực hiện chương trình tái canh 25.000 ha/năm.
Các Bộ trưởng cũng đã cân nhắc về định hướng phát triển của Thị trường Cao su Khu vực (RRM) với vai trò là thị trường giao dịch tương lai và thành lập một trung tâm trọng tài để hỗ trợ RRM.
Các Bộ trưởng đã đồng ý đề xuất thành lập Hội đồng Cao su ASEAN (ARC) để thảo luận về sự phát triển của ngành CSTN và hợp tác với các nước khác trong và ngoài ASEAN.
Chính phủ Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhắc lại cam kết hợp tác và ủng hộ để tiếp tục thực hiện các biện pháp chung hiệu quả của ITRC cũng như tạo ra các lĩnh vực hợp tác mới để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành CSTN. Sự hợp tác vẫn rất cần thiết và quan trọng đối với tất cả các bên liên quan, khi CSTN mang lại thu nhập và là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam lược dịch, nguồn: https://ircorubber.com/2019/elementor-1181/, ngày 22/02/2019


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>