Tin tức >> Tin cao su trong nước

Kon Tum: Thay 'áo mới' cho làng vùng biên

28/06/2021

Sa Bình là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) với khoảng 53% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 20%, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp.


Với sự đỡ đầu của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, bà con đã thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức, góp phần quan trọng vào việc từng bước xóa đói giảm nghèo của địa phương. Năm 2007, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn, với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ đời sống, nhận thức cho bà con vùng sâu, vùng đồng bào trên địa bàn tỉnh. Từ chủ trương đó, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã tham gia nhận đỡ đầu cho xã Sa Bình nhằm giúp bà con từng bước thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Sinh kế của đồng bào ở xã Sa Bình từng bước đi lên khi biết chăn nuôi bò sinh sản, trồng và khai thác cao su
Tạo sinh kế cho đồng bào
Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình, trước đây điều kiện kinh tế của bà con trên địa bàn xã còn hết sức khó khăn, dân cư thưa thớt, phương thức canh tác nông nghiệp lạc hậu nên phần lớn hộ gia đình chưa thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn nghèo đói. Tuy nhiên, với sự đỡ đầu của công ty thì bà con đã cải thiện được tư duy, nếp nghĩ và cách làm trong phát triển kinh tế. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thời gian qua công ty đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho bà con trong xã Sa Bình từng bước khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo. Theo ông Nguyễn Hữu Lợi, Chủ tịch HĐTV Công ty, thời gian qua công ty đã tập trung giúp đỡ các hộ gia đình bò giống, cây cao su con, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cao su.
Cùng với đó, Đoàn thanh niên của công ty thường xuyên phối hợp với xã tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tạo sân chơi nhằm tuyên truyền để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Chính vì thế, các hộ gia đình thay đổi phương thức canh tác trong phát triển nông nghiệp, đã biết trồng, chăm sóc, khai thác cao su, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức mới có hiệu quả và năng suất cao. Đến nay, nhiều gia đình đã có mô hình kinh tế mới vườn rau – ao cá – chuồng bò, nhà cửa được xây dựng khang trang. Đặc biệt, nhiều hộ đã mạnh dạn đi vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng khoai mì, chăm sóc vườn cao su, ruộng lúa… Nếp nghĩ, cách làm thay đổi, phần lớn bà con đồng bào ở Sa Bình đã biết đi làm sớm, đúng giờ; đau ốm đã biết đến trạm xá, bệnh viện thay vì mời thầy cúng về nhà, nhất là biết ăn ở vệ sinh hơn. Tình hình an ninh trật tự được cải thiện nhiều, bà con yên tâm lao động sản xuất, một lòng tin tưởng vào chính quyền.
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum cũng tích cực hỗ trợ địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho đồng bào. Riêng với thôn Kà Bầy, Công ty đã đầu tư cổng thôn văn hóa, làm sân bê tông cho trường mầm non và 150 trụ rào bê tông để chỉnh trang khu văn hóa thôn. Việc triển khai đề án phát triển kinh tế – xã hội tại thôn Khúc Na cũng đã đi vào thực chất, đàn bò do công ty đầu tư bò giống vào năm 2000 cơ bản được chăm sóc và phát triển tốt, tạo thu nhập hằng năm từ 30 triệu đồng/hộ.
Dựng xây những ngôi nhà mới
Từ hỗ trợ của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum, thôn Khúc Na hiện có khoảng 69 ha cao su, tất cả đều của các hộ tiểu điền, trong đó có đến 90% đang trong thời kỳ cho mủ nên đời sống bà con được cải thiện rất nhiều, nhất là trong điều kiện hiện nay khi giá mủ đang tăng cao. Đến nay, sau hơn 10 năm đỡ đầu, giúp đỡ bà con trong các thôn ở xã Sa Bình, hiện các hộ đã có được nhà kiên cố và duy trì số lượng đàn bò. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nhiều nhà tình thương (trị giá 50 triệu đồng/căn) cho các hộ dân ở thôn Khúc Na, Bình Loong, Lung Leng, Kà Bầy...
Đến thăm gia đình anh A Quynh và chị Dech ở thôn Bình Loong trong ngày bàn giao căn nhà Đại đoàn kết, chúng tôi không khỏi xúc động khi biết về hoàn cảnh của gia đình. Anh A Quynh bị hỏng một mắt phải, còn người vợ thì câm điếc, cả hai không có công việc làm, hằng ngày lên rừng săn bắt chim, chuột và đi làm thuê cho người trong làng; mỗi tháng cũng chỉ được vài ngày công. Số tiền thu nhập ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống cho 4 miệng ăn nên hết sức cơ cực. Trước những khó khăn ấy, lãnh đạo Công ty quyết định trao tặng gia đình anh căn nhà Đại đoàn kết để có nơi ở ổn định. Phát biểu trước sự chứng kiến của lãnh đạo công ty, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương, anh A Quynh xúc động: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn vì đã cho cái nhà mơ ước, từ nay trở đi không phải ở tạm, trời mưa không bị ướt, không bị lạnh nữa. Chúng tôi sẽ giữ gìn và cố gắng làm ăn để nuôi con khôn lớn”.
Một hoàn cảnh khó khăn khác là hộ gia đình anh A Tin và chị Y Ngang ở thôn Kà Bầy. Cưới nhau đã nhiều năm, vợ chồng anh A Tin có 2 con nhỏ nhưng vẫn còn phải ở chung với cha mẹ. Vợ chồng anh A Tin không có việc làm ổn định, hằng ngày đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống; mỗi tháng cả hai vợ chồng chỉ được hơn chục ngày công nên không có khả năng mua đất, làm nhà. Nhận được căn nhà mà cứ ngỡ như mơ, chị Y Ngang bày tỏ: “Vui quá, không biết nói gì nữa. Chỉ biết cảm ơn công ty cao su, chính quyền địa phương đã xây dựng cho vợ chồng mình căn nhà mà lâu nay mình mong ước”.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh A Tin với sự chứng kiến của chính quyền địa phương, Ảnh: Văn Vĩnh
Đến với các thôn làng của xã Sa Bình hôm nay, hẳn sẽ cảm nhận rõ nét sự thay da đổi thịt qua những con đường bê tông, dòng điện cao thế kéo đến từng nhà; trạm xá, trường học được xây dựng giữa làng; những căn nhà tạm bợ được thay thế bằng những căn nhà mới xây kiên cố, nhà nào cũng có ti vi, xe gắn máy, hàng quán mọc lên khắp nơi...


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>