Tin tức >> Tin cao su trong nước

Phát triển ngành cao su bền vững, đáp ứng các yêu cầu thị trường

23/11/2020

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) trao đổi với Báo Hải quan về những giải pháp đang được ngành cao su triển khai nhằm phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi.


Thưa ông, VRA vừa khởi động dự án thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS) trong ngành cao su Việt Nam. Ông cho biết, mục tiêu hướng tới của dự án là gì?

- Với diện tích cao su trên 900 ngàn ha, gỗ cao su từ lâu đã trở thành nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam. Mỗi năm diện tích này cung cấp cho thị trường với trữ lượng bình quân khoảng 02 – 10 triệu m3 gỗ tròn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cao su năm 2019 đạt hơn 2,38 tỷ USD, chiếm 33,9% trong tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su và đóng góp 22,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam. Gỗ và sản phẩm gỗ cao su hiện đã được xuất khẩu tới trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong xu hướng tiêu dùng của thị trường gỗ thế giới, gỗ cao su được đánh giá là nguồn nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường vì chỉ lấy gỗ sau khi đã thu hoạch mủ với chu kỳ 20 – 25 năm. Có thể nói, đây là một ưu thế quan trọng của gỗ cao su trong bối cảnh thị trường đòi hỏi sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ xuất khẩu mà cả các sản phẩm tiêu dùng nội địa nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp tại Việt Nam và trên thế giới.
Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) do Việt Nam ký kết với EU chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Theo đó, Việt Nam cam kết tất cả gỗ khai thác, nhập khẩu, vận chuyển, chế biến, mua bán và xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU đều được sản xuất hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia khai thác.
Thực thi hiệp định này, đầu tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP về việc quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), có hiệu lực từ ngày 30/10/2020. Đây là quy định pháp lý bắt buộc áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ, trong đó có gỗ cao su được khai thác từ diện tích cao su trong nước. Do đó, việc thúc đẩy sự tuân thủ VNTLAS trong ngành cao su là cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp của gỗ cao su trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, hiện lượng gỗ cao su từ các hộ tiểu điền chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn cung gỗ cao su của Việt Nam, đạt khoảng 0,5 – 6 triệu m3 gỗ tròn/năm, chiếm 30 – 60%. Vì vậy, VRA sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các hộ tiểu điền đáp ứng VNTLAS nhằm đảm bảo VNTLAS được tuân thủ thống nhất trong toàn ngành.
VRA có chiến lược gì trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới vẫn vượt cầu, gây áp lực lên giá cao su thiên nhiên, thưa ông?
- VRA đã nhiều lần đề xuất Chính phủ cần thành lập một cơ quan quản lý Nhà nước về cao su. Các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều có Tổng cục Cao su (Rubber Board), nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất một cơ quan quản lý về cây trồng là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn sản phẩm cao su hiện chưa có cơ quan nào quản lý. Đối với Tập đoàn, chất lượng mủ cao su được kiểm soát bởi Viện Nghiên cứu Cao su và phòng VLAB, nhưng mủ cao su của tiểu điền thì không có cơ quan nào kiểm soát, cứ bán được là bán. Trước mắt thì không sao nhưng lâu dài điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cao su Việt Nam và đi theo đó là thương hiệu và giá trị.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ban hành Quy trình kỹ thuật cao su, nhưng tôi mong muốn Nhà nước phải nâng quy trình này lên thành tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng trong cả nước, nhằm đảm bảo quy trình thống nhất từ lúc ươm mầm đến khi khai thác. Quy trình này có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong đó có tính tới xu hướng phát triển bền vững. Hiện Tập đoàn cũng đang triển khai chương trình phát triển bền vững, theo đó đã có 50.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững của trong nước và quốc tế. Đây cũng là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh ngày càng nhiều khách hàng yêu cầu nguyên liệu phải có chứng chỉ rừng bền vững. Việc đạt các chứng chỉ bền vững sẽ giúp cao su thiên nhiên của Việt Nam đảm bảo sức cạnh tranh với các đối thủ trong bối cảnh nguồn cung cao su thế giới vẫn ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Nguyễn Hiền (thực hiện), nguồn: https://haiquanonline.com.vn/phat-trien-nganh-cao-su-ben-vung-dap-ung-cac-yeu-cau-thi-truong-137083-137083.html, ngày 11/11/2020 (TN trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>