Tin tức >> Tin cao su trong nước

Sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ chi phí xuất nhập cảnh do dịch Covid-19 cho người lao động làm việc tại Campuchia

07/09/2020

Đó là kết luận của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tại cuộc họp trực tuyến về kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2020 của các dự án tại Campuchia, vào ngày 04/9/2020. Đây là cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 của lãnh đạo VRG với 15 công ty và văn phòng đại diện Tập đoàn tại Campuchia trong năm 2020 với 8 đầu cầu trực tuyến.


Hoàn thành tốt kế hoạch

Theo báo cáo tại cuộc họp, 8 tháng đầu năm, các đơn vị đã khai thác được 39.303 tấn mủ cao su (đạt 48,1% so với kế hoạch 81.720 tấn), cao hơn 70,4% so cùng kỳ năm 2019 (23.061 tấn/52.360 tấn); chế biến được 32.198 tấn (đạt 97% so kế hoạch năm); tiêu thụ 32.505 tấn. Doanh thu cao su ước đạt 967,5 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của Tập đoàn về việc tiết giảm suất đầu tư, các công ty chỉ thực hiện các công việc thực sự cần thiết. Cùng với việc tích cực khai thác tận thu sản phẩm, các công ty đã tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống cháy vườn cây, kho hàng, nhà máy và khu dân cư đảm bảo an toàn. Toàn bộ diện tích vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Các đơn vị đã thực hiện xong công tác bón phân cho toàn bộ diện tích. Vườn cây thường xuyên được kiểm tra theo dõi bệnh nấm hồng, phấn trắng, đến nay không có dấu hiệu bệnh và chưa có thiệt hại do gió lốc, mưa bão gây ra.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu chính Tập đoàn
Các công ty tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương nhằm bảo vệ sản phẩm mủ cao su trong địa bàn, kiên quyết không để tiêu cực xảy ra. Thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, bảo vệ sản phẩm, quản lý diện tích vườn cây, các tài sản… Tính đến ngày 31/8, tổng số CBCNV-LĐ các công ty tại Campuchia là 13.936 người (tăng so với ngày 30/6 là 1.426 người). Trong đó, lao động gián tiếp là 1.178 người. Tình hình lao động có biến động lớn và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến giữa quý II các công ty mới tiến hành thu tuyển lao động. Đến nay, đa số các công ty đã bố trí đủ lao động cạo chế độ D4 cho vườn cây khai thác đảm bảo ổn định. Các đơn vị vẫn tiếp tục tuyển dụng, đào tạo công nhân mở rải vụ, thay thế công nhân nghỉ, bỏ việc, công nhân có tay nghề yếu. Tất cả các đơn vị đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về sử dụng lao động.
Kiến nghị hỗ trợ chi phí xuất nhập cảnh do dịch Covid-19
Trong thời gian qua, các công ty khu vực Campuchia luôn chấp hành và triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn, chỉ đạo của cac cơ quan ban, ngành TW Campuchia, chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn, Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển cao su VRG Campuchia. Trang bị dụng cụ y tế như máy đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay, khẩu trang y tế cho CBCNV-LĐ. Tại các đầu dự án vào công ty, đều có bố trí trực gác kiểm soát người lao động (NLĐ) ra vào dự án, đo thân nhiệt nếu phát hiện có biểu hiện sốt tạm thời không cho vào trong dự án và báo cáo đến các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Các công ty đều thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 nhằm theo dõi và phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch và có các biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm soát và phòng chống dịch, đến nay các công ty cơ bản đảm bảo an toàn và tổ chức sản xuất bình thường, sức khỏe CB-CNLĐ được đảm bảo, không có người nào có dấu hiệu nhiễm bệnh Covid-19.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chi phí nhập cảnh Campuchia quá lớn, các công ty khu vực Campuchia đều gặp khó khăn về chi phí nhập cảnh và kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Duy Linh – Cụm trưởng Cụm I, Tổng Giám đốc (TGĐ) Cao su Chư Sê Kampong Thom, kiến nghị: Lãnh đạo Tập đoàn xem xét có cơ chế hỗ trợ để CBCNV-LĐ có điều kiện về thăm gia đình. Chi phí cho 1 người nhập cảnh Campuchia bao gồm các khoản: Hồ sơ, xét nghiệm Covid-19, Visa E, bảo hiểm, hỗ trợ cho bộ phận y tế Campuchia; tổng số tiền là 16,3 triệu đồng/người, chưa bao gồm tiền ăn ở 14 ngày cách ly tại Campuchia. Hiện nay các công ty đều lúng túng và chưa có giải pháp khả thi với nguồn kinh phí phát sinh này. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường và bùng phát lại như hiện nay, các công ty kiến nghị Lãnh đạo Tập đoàn, thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển cao su VRG Campuchia xem xét có phương án hỗ trợ chi phí xuất nhập cảnh để cán bộ công nhân viên quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ phép.
Đẩy mạnh thi đua hoàn thành nhiệm vụ
Trong 4 tháng cuối năm 2020 được dự báo rất nhiều khó khăn, thách thức; tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới lẫn trong nước. Giá cao su chưa có tín hiệu hồi phục, trong khi chi phí cho sản xuất ngày một tăng cao tác động lớn tới khả năng tiêu thụ và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết diễn biến bất thường gây ảnh hưởng tới vườn cây.
Về nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2020, các công ty đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo, động viên người lao động tích cực lao động sản xuất hoàn thành nhiệm vụ. Là đơn vị có hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) nổi bật tại khu vực Campuchia, tại cuộc họp, ông Phùng Thế Minh – TGĐ Cao su Bà Rịa Kampong Thom đã báo cáo kế hoạch SXKD 4 tháng cuối năm của công ty. “Trong tình hình giá mủ cao su có biến động tăng, công ty xây dựng kịch bản sản xuất 5.706 tấn (phấn đấu vượt 8% KH), tiêu thụ 6.300 tấn (trong đó Hợp đồng dài hạn 4.845 tấn, hàng chuyến 1.455 tấn). Công ty đã xây dựng 2 kịch bản tiêu thụ: Thứ nhất, nếu giá bán bình quân 4 tháng cuối năm đạt 28 triệu đồng, doanh thu sẽ đạt 17,4 tỷ đồng. Doanh thu cả năm đạt 292,7 tỷ đồng/245 tỷ đồng KH. Lãi 47,670 tỷ đồng. Thứ 2, nếu giá bán bình quân 4 tháng cuối năm đạt 29 triệu đồng, doanh thu đạt 182,7 tỷ đồng. Doanh thu cả năm đạt 298,97 tỷ đồng/245 tỷ đồng KH. Lãi 53,97 tỷ đồng”.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG ghi nhận và biểu dương các công ty cao su Campuchia đã nỗ lực vượt khó hoàn thành kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tập trung tổ chức sản xuất tại vườn cây, tích cực khai thác, tận thu sản lượng trên cơ sở tranh thủ điều kiện thời tiết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phấn đấu vượt kế hoạch. Tiếp tục thực hiện chủ trương sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó. Chăm sóc tốt vườn cây kiến thiết cơ bản, đảm bảo vườn cây an toàn, sinh trưởng và phát triển tốt theo quy trình của Tập đoàn. Tiếp tục rà soát tiết giảm chi phí sản xuất, trong đó tập trung rà soát, giảm chi phí chế biến, giảm chi phí điện năng, nhiên liệu, hợp lý hoá dây chuyền thiết bị, phân công lao động hợp lý. Tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xây dựng Ban Chỉ đạo xử lý dịch Covid-19, thành lập Quỹ hỗ trợ chi phí xuất nhập cảnh cho lao động người Việt tại các công ty Campuchia, tạo điều kiện hỗ trợ và giải quyết kịp thời để NLĐ người Việt Nam được về thăm gia đình mà không ảnh hưởng đến hoạt động chung của các đơn vị, xây dựng kế hoạch dài hạn về việc bố trí sắp xếp cán bộ nghỉ phép, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài. Tăng cường hoạt động kết nghĩa, tạo sự đoàn kết gắn bó ngày càng bền vững trong cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, chung tay xây dựng cộng đồng dân cư phát triển. Đặc biệt, các công ty phải xây dựng chương trình phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
“Lãnh đạo Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa cho các công ty cao su Campuchia về vấn đề xử lý tài chính. Xem xét trách nhiệm của công ty mẹ trong việc hỗ trợ các công ty con tại Campuchia. Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển cao su VRG Campuchia và Văn phòng Đại diện Campuchia chủ động đề nghị đến Chính phủ, các bộ, ngành Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia hướng dẫn các thủ tục để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước Campuchia đối với các doanh nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 như miễn giảm các quỹ môi trường xã hội, giãn thời gian nộp thuế năm 2020…” – ông Thuận chỉ đạo.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>