Tin tức

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ

01/02/2019

Ngành gỗ, nội thất Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ trở thành yêu cầu cấp thiết, là bước đầu tư chiến lược để ngành có những bước tiến dài hơi hơn trong tương lai.


  

Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành gỗ. Ảnh: Vũ Phong
Thương hiệu quốc gia là chất xúc tác giúp xúc tiến thương mại của nhiều ngành nghề. Có nhiều ý kiến cho rằng ngành gỗ Việt Nam chưa đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế phát triển của ngành trong 15 năm vừa qua, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng 5 năm trở lại đây và xu hướng của thế giới, giới chuyên môn, các nhà kinh tế học và lãnh đạo các bộ ngành đều cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp nhất để ngành gỗ xây dựng thương hiệu quốc gia.
Dù có những giai đoạn nền kinh tế toàn cầu khó khăn, chế biến gỗ vẫn duy trì mức phát triển bình quân 12,5%/năm. Ngành gỗ Việt Nam chỉ mới sử dụng khoảng 30 – 40% nội lực, còn nhiều nguồn lực chưa được khai thác như đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại.
Tại Hội nghị của Chính phủ định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Ngành gỗ, nội thất Việt Nam là ngành đang hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong giai đoạn này. Phải xây dựng Việt Nam là trung tâm sản phẩm gỗ và trang trí nội thất chất lượng cao của thế giới”. 
Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch HAWA (Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AA Coporation cho biết: “Ít ai biết nội thất trang bị cho phòng First Class của hãng hàng không Emirates, các công trình nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới đều mang đậm dấu ấn của người Việt Nam như Park Hyatt, Rosewood Phnom Penh Hotel… Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất gỗ bán cả không gian nội thất chứ không đơn thuần chỉ gia công sản xuất hay bán sản phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác giá trị cao nhất của ngành”. 
Thị trường đồ nội thất tiêu dùng của thế giới năm 2017 là 428 tỷ USD, trong đó thị trường xuất khẩu là 141 tỷ USD, năm 2018 con số này tăng thêm 4%. Thị trường, trang trí nội ngoại thất là nhu cầu thiết yếu của con người và là ngành kinh tế tiêu dùng có thị trường bền vững. Do hưởng lợi từ các hiệp định FTA, thị trường thế giới đang để ngỏ khả năng doanh nghiệp Việt Nam gia nhập phân khúc các công trình như khách sạn, văn phòng, bệnh viện, trường học…
Trước thời cơ để ngành gỗ phát triển bền vững, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các doanh nghiệp áp dụng tư duy sáng tạo để tăng giá trị gia tăng, làm động lực tăng trưởng của ngành. Đồng thời, kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, các doanh nghiệp chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế là những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>