Hoạt động

Buổi làm việc với cán bộ dự án thuộc Bộ ngoại giao Vương quốc Anh và đại diện Forest Trends

05/04/2024

Ngày 29/3/2024, đại diện Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Hugh Speechly – Cán bộ của Chương trình Quản trị lâm nghiệp, Thị trường và Biến đổi khí hậu (FGMC) thuộc Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh & Bắc Ai-len (FCDO) và ông Tô Xuân Phúc – Giám đốc chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại, Forest Trends (Hoa Kỳ).

 

Hai bên đã trao đổi về ý tưởng dự án song phương mà Chính phủ Vương quốc Anh đang cân nhắc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, tập trung vào các khía cạnh giảm thiểu các tác động tiêu cực đến nguồn tài nguyên rừng do quá trình sản xuất các cây hàng hóa (ví dụ gỗ, cao su, cà phê…) gây ra, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, bao gồm cả Quy định chống mất rừng (EUDR) mà Liên minh châu Âu (EU) mới đưa ra gần đây.

Ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký VRA cùng đoàn công tác
Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh và Forest Trends
Tại buổi làm việc, ông Hugh Speechly giới thiệu FGMC là chương trình trị giá hàng trăm triệu bảng Anh để hỗ trợ các dự án cải cách mô hình quản trị và thị trường ở 16 nước trên thế giới, nhằm giảm thiểu việc sử dụng trái phép tài nguyên rừng. Trong đó, Việt Nam là một địa bàn quan trọng của chương trình này. Ngoài ra, ông Hugh Speechly chia sẻ muốn tìm hiểu thêm về tác động của EUDR đối với ngành cao su ở Việt Nam và những hỗ trợ mà VRA đang thực hiện để hỗ trợ các DN, cũng như động thái của DN Việt Nam với EUDR. Ông cũng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu lớn các mặt hàng cao su thiên nhiên trên thế giới, vậy nên chương trình FGMC sẽ rất có ích.
Trao đổi tại buổi gặp mặt, ông Võ Hoàng An đã chia sẻ về những hỗ trợ mà VRA đã và đang thực hiện để giúp các DN sẵn sàng đáp ứng các tiêu chí của EUDR. Trong phạm vi chức năng, VRA đã tổ chức các buổi hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng, đề xuất và triển khai hoạt động hỗ trợ các hộ tiểu điền và DN ngành cao su thích ứng với EUDR nói riêng cũng như xu hướng phát triển bền vững nói chung. VRA cũng tham vấn với các chuyên gia, tổ chức và Bộ ngành có liên quan để thảo luận và góp ý vào phương án hành động nên thực hiện trong thời gian tới.
Khi EUDR chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2024, ngành cao su Việt Nam tự tin đáp ứng tiêu chí không trồng trên đất phá rừng bởi quy định được ban hành bởi Chính phủ kể từ năm 2017. Đồng thời, các DN trong ngành cao su đã thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong hơn 10 năm qua và cũng đã được các tổ chức quốc tế như FSC, PEFC cấp chứng chỉ. Theo ông An, khó khăn trước mắt mà DN gặp phải khi EUDR có hiệu lực chính là việc báo cáo tọa độ địa lý và truy xuất nguồn gốc dọc theo chuỗi cung ứng. Đây là hai thách thức mà ngành cao su nói chung và DN nói riêng cần khẩn trương phối hợp với các bên có liên quan để triển khai bởi đây cũng là những tiêu chí chung cho các quy định phát triển bền vững sau này.
Kết luận tại buổi gặp mặt, ông Võ Hoàng An mong muốn tiếp tục duy trì trao đổi thêm thông tin về Dự án FGMC để sớm thực hiện các hoạt động phối hợp hướng đến sự phát triển bền vững của ngành cao su trong tương lai.
Văn phòng HHCSVN (Thanh Ngân)

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>