Tin tức

Cây cao su Tây Nguyên – thực trạng và hướng phát triển

10/08/2016

 Sau Đông Nam Bộ, Tây Nguyên là vùng trồng cao su lớn thứ hai Việt Nam. Đến năm 2015, có 261.000 ha (tăng trên 40.000 ha so với 2011), chiếm 26,6% tổng diện tích, sản lượng 193.160 tấn, tương đương 19% tổng sản lượng cả nước, năng suất bình quân 1.423 kg/ha, bằng 84% năng suất cao su Việt Nam.


 Năm 2014, cao su toàn vùng tăng nhẹ (0,8%) về diện tích, tăng khá (14,9%) về sản lượng và giảm 1,7% về năng suất. Giá cao su thấp khiến người trồng hạn chế đầu tư thâm canh, giảm số ngày thu hoạch mủ để tiết kiệm công lao động nên năng suất đang thấp hơn so với tiềm năng.

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Thái Lan, Indonesia; vượt qua Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc; với sản lượng chiếm 6,6% và xuất khẩu chiếm 11,7% thị phần thế giới năm 2015. Năng suất cao su Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu trong các nước sản xuất nhiều cao su. Đến năm 2015, diện tích toàn quốc đạt 981.000 ha với sản lượng trên 1.017 nghìn tấn, năng suất bình quân 1.695 kg/ha. Đối với Tây Nguyên, cao su quốc doanh giữ vai trò chủ đạo với diện tích 125.620 ha, chiếm 48%; cao su nông hộ tiểu điền tăng trưởng nhanh, chiếm 31,8% với 82.990 ha; doanh nghiệp tư nhân đạt 52.440 ha, chiếm 20,1%. Ở Lâm Đồng, hiện có khoảng 12.492 ha (quốc doanh 1.510 ha, tư nhân 7.944 ha, tiểu điền 3.038 ha). Năm 2015, toàn tỉnh đạt tổng sản lượng 1.612 tấn, năng suất trung bình 1.246 kg/ha (Đắk Nông 1.479 kg, Kon Tum 1.469 kg).
Lấy mủ cao su ở xã Mỹ Lâm (huyện Đạ Tẻh)
Thuận lợi và thách thức
Hiện nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia đang mang lại cho ngành cao su nước ta cũng như Tây Nguyên nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức. 
Về thuận lợi, trước hết thị trường cao su thiên nhiên có triển vọng phát triển lâu dài do nhu cầu của thế giới được dự báo vẫn tăng liên tục dù tốc độ không cao nhưng ổn định. Cao su thiên nhiên là nguồn nguyên liệu “xanh” do có thể tái tạo qua các chu kỳ tái canh. Nhu cầu gỗ cao su ngày càng tăng trước đòi hỏi của xã hội không phá rừng lấy gỗ làm tác động đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều kiện sinh thái Tây Nguyên tuy còn một số yếu tố hạn chế nhưng cây cao su vẫn đạt hiệu quả kinh tế đáng khích lệ, đặc biệt là trên vùng đất không có hoặc hiếm nguồn nước tưới.
Vườn trồng cao su có khả năng trồng xen với các cây trồng khác hoặc cây rừng và kết hợp chăn nuôi, giúp tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá biến động và duy trì sự đa dạng sinh học. Cây cao su thu hút khí phát thải và tăng trữ lượng cac-bon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Là cây trồng thân thiện môi trường, không làm giảm nguồn nước và sử dụng ít phân bón, ít hóa chất phòng trừ sâu bệnh so với cây trồng khác. Bộ lá rụng hàng năm là nguồn phân bón hữu cơ cho cây cao su và các cây trồng khác. Các nhà máy chế biến cao su, gỗ cao su phát triển đồng hành cùng với diện tích cây cao su đã và đang cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội cho vùng Tây Nguyên.
Hiện toàn vùng có 22 nhà máy sơ chế mủ, 7 doanh nghiệp chế biến gỗ cao su đã tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động (công nhân, nông dân)… Phát triển vùng chuyên canh cao su luôn gắn liền với các khu vực dân cư mới và khu vực hành chính địa phương. Với ý nghĩa đó, sự phát triển cây cao su không những chỉ có vai trò về mặt kinh tế, xã hội mà còn góp phần đắc lực trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nội dung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa Tây Nguyên. 
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành cao su Tây Nguyên cũng đối đầu với một số khó khăn, thách thức. Đó là: Thị trường cao su tăng trưởng chậm và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, dẫn đến việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình về 0%. Vì vậy dự báo nhu cầu sử dụng cao su tăng chậm và giá thấp kéo dài trong nhiều năm tới; cạnh tranh về nguồn cao su nguyên liệu ngay trên “sân nhà”; tái cơ cấu ngành hàng cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng còn nhiều hạn chế… Thách thức cũng đặt ra cho sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ cao su. Để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gỗ và đồ gỗ, gỗ cao su cần chứng minh nguồn gốc hợp pháp thông qua các quy định pháp quy Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững, chứng chỉ trồng rừng... Một trở ngại nữa là chất lượng cao su nguyên liệu vùng Tây Nguyên chưa đồng đều, nhất là từ nguồn cao su tiểu điền. Thương hiệu của nhiều doanh nghiệp cao su chưa được định vị, phần lớn còn xuất khẩu ủy thác. Hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên trong cả nước thiếu chặt chẽ; trong đó, vai trò của cơ quan nhà nước chưa được phát huy, làm cho tính cạnh tranh về chất lượng cao su Việt Nam, Tây Nguyên kém hơn so với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, ảnh hưởng đến giá cao su Việt Nam so với khu vực. 
Giải pháp phát triển bền vững
Để ngành cao su Việt Nam và Tây Nguyên vượt qua khó khăn do giá thấp kéo dài nhiều năm cũng như ứng phó thành công với những thách thức và tận dụng cơ hội, Tây Nguyên cần quy hoạch ổn định diện tích cao su trong những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp và cân đối năng lực về sản lượng, xuất khẩu với nhu cầu thị trường nhằm góp phần cải thiện giá cao su, tham gia vào các chương trình phủ xanh đất, phục hồi và bảo vệ rừng. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để cây cao su tăng năng suất về mủ, gỗ cao su; tăng hiệu quả kinh tế và trữ lượng cac-bon, phát huy vai trò như cây rừng thu hút khí phát thải. Chuyển phương thức độc canh cây cao su sang đa canh trong những mô hình xen canh, nông lâm kết hợp có hiệu quả, giảm xói mòn đất trên vùng có độ dốc cao. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cao su thiên nhiên, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị nhằm tham gia sâu vào chuỗi cung ứng cao su toàn cầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện những hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại mở rộng nguồn khách hàng, tránh lệ thuộc vào một số ít thị trường truyền thống. Nâng cao kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội kinh doanh và thuế quan ưu đãi. Đặc biệt, Nhà nước cần hỗ trợ Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng và phát triển thương hiệu ngành thông qua sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Vietnam Rubber” đã được bảo hộ quyền sở hữu…
Tây Nguyên đã hình thành vùng sản xuất cao su thiên nhiên tập trung, tạo nguồn nguyên liệu quan trọng cho các nhà công nghiệp chế biến sâu trong vùng và các vùng kinh tế khác. Để cao su đóng góp hiệu quả cao hơn vào sự phát triển vùng kinh tế, Tây Nguyên rất cần được Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương quan tâm hỗ trợ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>