Ảnh minh họa
Theo các chuyên gia, có khả năng làm giảm tốc tăng trưởng cả ở châu Âu và Hoa Kỳ trong nửa cuối năm 2023. Theo bài viết, tình trạng phá sản hàng loạt của các trung tâm thương mại lớn ở Đức, lãi suất tăng cao ở Hoa Kỳ, thị trường bất động sản lao đao ở Trung Quốc... đã được quan sát thấy. Trong vài tuần gần đây, dấu hiệu đáng lo ngại về sức khỏe kinh tế toàn cầu ngày càng rõ rệt hơn. Chuyên gia kinh tế của hãng bảo hiểm Coface, ông Bruno de Moura Fernandes, nhận định: “Số lượng doanh nghiệp thất bại gia tăng ở khắp mọi nơi, vượt mức năm 2019 ở Anh, Canada và thậm chí cả Thụy Điển”.
Thương mại thế giới đã sụt giảm, ghi nhận mức tăng trưởng – 0,7% trong quý I năm 2023 và rủi ro địa chính trị tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế. Nhà kinh tế học Charles–Henri Colombier tại Viện nghiên cứu kinh tế Rexecode có trụ sở ở Paris, trấn an: “Thực ra chưa có gì là thảm họa, nhưng triển vọng rất ảm đạm và dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy yếu trong nửa cuối năm nay”.
Đầu năm 2023, những lo lắng liên quan đến khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã hoàn toàn tan biến. Thay vào đó là sự lạc quan có phần thái quá. Nhiều người tin rằng kinh tế châu Âu có thể vận hành tốt mà không cần đến khí đốt của Nga, trong khi Trung Quốc cuối cùng đã mở cửa trở lại và ngành du lịch bắt đầu phục hồi. Nhưng chuyên gia kinh tế của ngân hàng BNP Paribas, Hélène Baudchon, lưu ý cả hai chỉ số môi trường sản xuất và kinh doanh đều khá tệ và bây giờ mọi nhìn nhận đều trở lại với sự bi quan rõ rệt.
Điều này đặc biệt đúng với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Nếu kinh tế Pháp và Tây Ban Nha đã gây bất ngờ trong quý II năm 2023, đạt tăng trưởng lần lượt 0,5% và 0,4%, thì nền kinh tế Đức lại rơi vào sự đình trệ khi tăng trưởng quanh mức 0%. Chuyên gia Riccardo Marcelli Fabiani của tổ chức Oxford Economics, nhận định: “Tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu đè nặng lên hoạt động kinh tế. Chi phí tín dụng ngày càng tăng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp”.
Trong tháng 7/2023, tại Eurozone, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) – thước đo quan trọng của nền kinh tế quốc gia – đã giảm xuống 47 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái. Trước đó, trong tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp của khu vực này vẫn tăng 0,5%. Tuy nhiên, nếu loại bỏ số liệu của Ireland (Ai–len), với mức tăng tích cực +13,1% nhờ sự hiện diện của các công ty đa quốc gia trên đất nước này, thì trên thực tế sản xuất công nghiệp của Eurozone đã giảm 0,9%. Theo chuyên gia kinh tế Anna Titareva tại công ty dịch vụ tài chính UBS có trụ sở ở Thụy Sỹ, đáng lo ngại là sự giảm tốc đã bắt đầu lan sang khu vực dịch vụ, vốn vẫn hoạt động khá tốt cho đến nay.
Các chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics có trụ sở ở London cho rằng du lịch đã giúp tăng trưởng của Eurozone có thêm 0,3 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2023. Nhưng đây là một đóng góp mà các nền kinh tế châu Âu sẽ không còn có thể trông cậy trong nửa cuối năm nay, bởi hiện tại du lịch phần lớn đã trở lại mức độ yếu như trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, xu hướng lạm phát giảm tại Eurozone, từ 10% xuống còn 6,1% trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 7/2023, là tin tốt cho các hộ gia đình châu Âu. Chuyên gia Fabiani giải thích: “Mức tăng lương thực tế cuối cùng sẽ lớn hơn mức tăng giá và điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho tiêu dùng”.
Đặc biệt việc làm không bị ảnh hưởng nhiều do tình trạng thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực, cho dù tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Các công ty thích giảm số giờ làm việc hơn là sa thải nhân viên. Nhờ vậy, theo nhận định của chuyên gia Baudchon, sự giảm tốc của hoạt động kinh tế sẽ không quá rõ rệt và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone dự báo vẫn tăng 0,5% trong năm 2023 và 0,6% vào năm 2024. Hơn nữa, việc châu Âu quyết định siết chặt trở lại quy định ngân sách trong năm 2024 sẽ buộc các nước phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế, từng được áp dụng rộng rãi để giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng. Nhà kinh tế Maxime Darmet thuộc Allianz Trade, cho rằng tại Pháp, việc thắt chặt ngân sách sẽ làm GDP giảm 0,7 điểm phần trăm trong cả năm 2023.
Thoạt nhìn, bức tranh kinh tế có vẻ tươi sáng hơn ở Hoa Kỳ, nơi có sự khởi đầu cho một năm 2023 sôi động đến bất ngờ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự kiến sẽ đạt 1,8% trong năm 2023 nhưng khó có thể vượt mức 1% trong năm 2024. Ông Darmet nhận định: “Tín dụng tiêu dùng và bất động sản thương mại bắt đầu bị thu hẹp, do tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED)”. Trên thực tế, lãi suất cơ bản hiện đang dao động trong khoảng từ 5,25 – 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua. Chuyên gia Fernandes cảnh báo một sai lầm trong chính sách chỉ đạo, chẳng hạn như đi quá xa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ giữa bối cảnh hiện nay, sẽ là một trong những nguy cơ chính đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
Nguyễn Tuyên, nguồn: https://bnews.vn/kinh-te-toan-cau-co-nguy-co-giam-toc-trong-nua-cuoi-nam-nay/305461.html, ngày 06/9/2023 (TN trích dẫn)