Tin tức >> Tin cao su trong nước

Bộ Công Thương đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su

07/06/2016

 Sáng ngày 06/6/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016,tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. 


 Theo kết quả công bố của Bộ, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2016 tăng 7,5%, trong đó ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,1%. Về hoạt động thương mại, tính chung 5 tháng 2016, xuất khẩu đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,9 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1%, trong đó, cao su thiên nhiên xuất khẩu tăng 20,7% về lượng và tăng 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 06/6/2016 tại: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM
(Nguồn ảnh: www.moit.gov.vn)
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh – chủ trì Hội nghị, đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2016 tuy chưa cao nhưng là những điểm sáng đáng khích lệ và là cơ sở để Bộ khẳng định quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Bộ Công Thương trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tổng cầu của thị trường yếu và không ổn định, giá cả nhiều mặt hàng sụt giảm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến
(Nguồn ảnh: www.moit.gov.vn)
Theo ý kiến của đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam, chính sách về thuế Giá trị gia tăng được bổ sung, sửa đổi theo Luật số 106/2016/QH13 (06/4/2016) đã tạo cơ chế thông thoáng giúp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản sơ chế. Với Luật sửa đổi này, các doanh nghiệp mua nông sản để xuất khẩu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, nhờ vậy, đã tiết kiệm được chi phí, nhân lực trong khâu nộp thuế và hoàn thuế, đồng thời, giảm được nạn gian lận làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chính sách này chưa được áp dụng cho mủ cao su sơ chế, dù đây cũng là sản phẩm trồng trọt. Do vậy, tạo môi trường kinh doanh không bình đẳng trong lĩnh vực nông sản và làm xuất khẩu cao su khó đẩy mạnh vì doanh nghiệp gặp khó khăn trong ứng, vay vốn nộp thuế GTGT, tốn kém trong khâu chờ đợi hoàn thuế GTGT sau khi xuất khẩu.
Trước những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp ngành cao su trong kinh doanh, xuất khẩu cao su, Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị áp dụng chính sách không kê khai nộp thuế GTGT trong khâu kinh doanh thương mại đối với mủ cao su sơ chế cũng như những nông sản sơ chế khác để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ cao su trong tình hình ngành đang tăng nhanh sản lượng, trong đó, 50% là do nông hộ sản xuất.
Bộ trưởng đã chỉ đạo cho các Cục, Vụ liên quan hỗ trợ những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ như tăng cường quản lý chất lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu; tạo điều kiện để Hiệp hội và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam; cùng Hiệp hội nghiên cứu, chọn lựa những chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả; cập nhật, phổ biến thông tin về tác động cụ thể của các hiệp định thương mại tự do đến ngành cao su; cử đại diện tham gia vào Ban Chấp hành của Hiệp hội để tăng cường sự nối kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.   
Về chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng mủ cao su sơ chế, Bộ trưởng giao cho Cục Xuất Nhập khẩu làm đầu mối liên hệ với các đơn vị liên quan để rà soát, cân nhắc và có đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cao su.
  Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hoa Trần, Ngọc Thúy)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>