Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Lào
Ngày 19/7/2023, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp hội Cao su Lào (LRA) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác nhằm tạo tiền đề và động lực quan trọng để tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành cao su hai nước.
Quang cảnh Lễ ký kết
Tại sự kiện, ông Bounthong Bouahom – Chủ tịch LRA cho biết, LRA được thành lập vào năm 2018, hoạt động theo chiến lược phát triển nông lâm và nông thôn của Bộ Nông Lâm Lào và Điều lệ được Bộ thông qua. Đến nay, LRA có 35 Hội viên, trong đó có 2 DN Việt Nam là Công ty CP Cao su Việt Lào, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk và hiện đang tiếp tục thúc đẩy kết nạp Hội viên. Trong thời gian tới, LRA sẽ đóng góp tích cực trong việc xây dựng cơ sở pháp lý trong quản lý cao su với cơ quan liên quan, xúc tiến công tác chứng nhận vườn trồng cao su bền vững, phổ biến tầm quan trọng của cao su thông qua việc đào tạo kiến thức sản xuất cao su thiên nhiên (CSTN) cho Hội viên theo hướng sản xuất bền vững, xanh và có trách nhiệm; thúc đẩy nhà đầu tư triển khai công tác tập huấn về kỹ thuật – chuyên môn, bảo vệ lợi ích DN và tiếp cận với thị trường khu vực và quốc tế.
Ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch VRA cho biết Lào là một trong những thị trường chính Việt Nam nhập khẩu CSTN, các DN Việt Nam triển khai các dự án trồng và xây dựng nhà máy chế biến cao su tại Lào đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống của người dân địa phương, củng cố hợp tác toàn diện giữa hai nước trong nhiều năm qua. Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam, các dự án trồng cao su của Việt Nam tại Lào sẽ được triển khai thực hiện trên tổng diện tích 100.000 ha, thực hiện đến nay, diện tích cao su của Hội viên VRA đạt khoảng 40 ngàn ha, với diện tích các dự án của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt khoảng gần 30 ngàn ha. Có thể thấy, ngành cao su là dấu mốc quan trọng cho hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào.
Cùng ngày, hai hiệp hội đã triển khai Lễ ký kết biên bản ghi nhớ trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: Trao đổi thông tin thường xuyên về tình hình hoạt động, phát triển ngành cao su; Trao đổi kinh nghiệm về công tác hiệp hội; Hỗ trợ các DN cao su hai nước trongsản xuất kinh doanhổn địnhvà bền vững; Hỗ trợ các nội dung hợp tác khác phù hợp với các mục tiêu và định hướng hợp tác mà hai bên cùng quan tâm. Buổi Lễ ký kết cũng đã nhận được sự quan tâm của các đơn vị báo chí, truyền thông Việt Nam và quốc tế.
Làm việc với Bộ ngành Lào, cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào
Từ trên xuống, từ trái qua: Các buổi làm việc của đoàn công tác với
Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lào; Bộ Nông Lâm Lào; Đại sứ quán
Việt Nam tại Lào; Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Paksé, Lào
Ngày 19/7/2023, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với VPĐD VRG tại Lào. Ông Dương Đình Bảng, Trưởng VPĐD cho biết, đơn vị đã ghi nhận và tổng hợp các tồn tại, khó khăn của các công ty thành viên VRG, với những trọng tâm về thời hạn dự án cao su, cơ chế chính sách (giấy phép hành nghề nông lâm, thuế, quota, lệ phí...), cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, nguồn lao động, đồng thời đã triển khai xây dựng lộ trình cụ thể nhằm từng bước kiến nghị tới Bộ, ngành liên quan. Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các công ty Hội viên, DN cũng chia sẻ thêm về một số khó khăn khác trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Ông Huỳnh Văn Bảo, Phó Chủ tịch VRA, Thành viên HĐQT VRG cho biết, Đoàn công tác ghi nhận khó khăn và kiến nghị của DN và sẽ thông tin tới lãnh đạo VRG nhằm rà soát, định hướng tháo gỡ chung cho các DN thành viên hoạt động tại Lào, bao gồm kế hoạch làm việc với các Bộ, ngành liên quan cũng như LRA. Ngoài ra, VRA cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với LRA, tăng cường chức năng cung cấp thông tin, kết nối Bộ, ngành, hỗ trợ Hội viên, DN kiến nghị phương pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, đầu tư tại Lào.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA, Thành viên HĐQT VRG đề xuất Hội viên VRA cũng như DN Việt Nam đầu tư trồng, sản xuất cao su tại Lào tham gia làm Hội viên LRA nhằm được bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ trong công tác kiến nghị chính sách. Đồng thời, hiệp hội cao su hai nước sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác, rà soát lại cơ sở để có kiến nghị phù hợp, gửi văn bản chính thức tới các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề tháo gỡ khó khăn về chính sách cho DN. Trên cơ sở các văn bản kiến nghị, trao đổi của các DN tham gia đoàn công tác, ông Trần Ngọc Thuận kết luận các vấn đề trọng tâm kiến nghị tới Bộ, ngành bao gồm:
- Gia hạn hợp đồng thuê đất dự án từ 30 – 40 năm lên 50 năm, tương ứng với hai chu kỳ kinh doanh, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Chính quyền phổ biến và hướng dẫn kịp thời khi có thay đổi liên quan đến luật để DN có thể nắm bắt kịp thời và triển khai. Điều chỉnh một số quy định liên quan đến việc cấp giấy phép Quota nhập khẩu hàng hóa, quy định hạn chế lao động nước ngoài trong giai đoạn lao động tại chỗ gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Thực thi chính sách hoàn thuế VAT cho các công ty đã thực hiện giai đoạn xây dựng cơ bản
- Tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự trong và xung quanh khu vực dự án cao su, có biện pháp hiệu quả ngăn chặn nạn trộm cắp mủ. Quản lý chặt chẽ các đơn vị được cấp phép thu mua mủ, tránh việc tiếp tay cho nạn trộm cắp mủ. Có chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe, ngăn chặn đối với các đối tượng vi phạm
- Chính quyền phối hợp, hỗ trợ DN tuyên truyền, vận động, thu tuyển công nhận địa phương vào làm việc. Xem xét, tạo điều kiện hơn nữa cho các công ty trong việc nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm việc mang tính thời điểm hoặc trong mùa cạo mủ.
- Xem xét về giảm giá, phí lên quan trực tiếp đến lĩnh vực cao su như: giá điện, giá nhiên liệu, các loại phí logistic, visa lao động… Xem xét việc miễn giảm phí chứng nhận gỗ rừng trồng đối với sản phẩm gỗ cao su thanh lý.
- Xây dựng cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ cao su xuất khẩu và sử dụng trong nước.
- Kiến nghị Bộ Nông Lâm nghiệp Lào và các Bộ ngành có liên quan xem xét cấp giấy phép hành nghề nông lâm nghiệp dài hạn thay vì 01 năm như hiện nay.
Tại các buổi làm việc với các cơ quan Bộ, ngành, đáp từ ông Trần Ngọc Thuận và Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng Bộ trưởng Bộ Nông Lâm đánh giá các dự án cao su có hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của nước sở tại. Đối với những khó khăn và kiến nghị được nêu, các Bộ ghi nhận và chia sẻ với DN, đồng thời đề xuất DN kiến nghị bằng văn bản đến các Bộ, ngành liên quan để Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Nông Lâm có cơ sở phối hợp với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, Bộ NôngLâm bày tỏ ý kiến thống nhất cao đối với đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ DN Việt Nam phát triển ngành gỗ cao su tại Lào.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nhận định, ngành cao su đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế, đồng thời đem lại nhiều giá trị xã hội cho Lào, tuy nhiên, khía cạnh chính sách vẫn còn nhiều tồn tại, dẫn đến việc DN Việt Nam đầu tư trồng, sản xuất cao su tại Lào đối mặt với nhiều thách thức. Đồng thời, do sự thiếu đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các kiến nghị của DN với địa phương, Bộ, ngành chưa được quan tâm triệt để và việc truyền tải tới lãnh đạo cấp cao Lào còn hạn chế, dẫn tới môi trường đầu tư chưa được cải thiện nhiều. Đại sứ cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc ký kết Biên bản ghi nhớ Thỏa thuận hợp tác giữa VRA và LRA nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, phát triển ngành cao su hai nước. Trong giai đoạn tiếp theo, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đồng hành với VPĐD VRG tại Lào, VRA, LRA trong việc gửi văn bản kiến nghị chính thức, tiếp tục gặp mặt và trao đổi trực tiếp với các Bộ, ngành liên quan, duy trì theo dõi phản hồi của Bộ, ngành, hướng tới việc đề cập khó khăn, kiến nghị của DN cao su trong cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo hai nước. Đồng thời, Đại sứ quán đề xuất các bên tiếp tục nghiên cứu cơ sở để xây dựng các kiến nghị phù hợp, hữu hiệu nhất trước khi gửi văn bản chính thức tới Bộ, ngành.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Paksé, Lào quán nhất trí cao về định hướng của Đại sứ quán trong việc đồng hành với VPĐD VRG tại Lào, VRA, LRA trong việc trao đổi thông tin, kiến nghị quyết liệt từ cơ sở, địa phương tới trung ương và với các Bộ, ngành liên quan, tháo gỡ khó khăn cho DN, từ đó tiếp tục phát triển ngành cao su, đồng thời củng cổ quan hệ hữu nghị hai nước, giữ vững vị thế ngoại giao, đại chính trị quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Lào nói riêng và tại Lào nói chung.
Hội nghị Hội viên Hiệp hội Cao su Việt Nam năm 2023 khu vực Lào – Campuchia – Tây Nguyên
Ngày 20/7/2023, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hội viên năm 2023 khu vực Lào – Campuchia – Tây Nguyên. Tham dự Hội nghị còn có đại biểu khách mời từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Paksé (Lào), lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng hơn 40 đại diện Hội viên, doanh nghiệp cao su tại Lào, Campuchia và Tây Nguyên.
Quang cảnh hội nghị
Ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký VRA báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 – 2022, 6 tháng đầu năm 2023 và Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 và Nhiệm kỳ VI (2023 – 2028) của VRA. Trong năm 2023, toàn ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 11,1 tỷ USD, tăng tăng 7,6% so với năm 2022. Trong đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất, với 4,7 tỷ USD, tiếp đó là CSTN (hơn 3,4 tỷ USD) và gỗ cao su (hơn 3 tỷ USD). Để đạt được các mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn của các DN, sự hỗ trợ chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như sự quyết tâm khẳng định giá trị và vai trò của ngành cao su Việt Nam trong và ngoài nước.
Trước bối cảnh trên, nhiệm vụ trọng tâm của VRA trong giai đoạn tới là tiếp tục tổ chức, triển khai những hoạt động nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên, kết nối với các cơ quan quản lý và tăng cường hợp tác quốc tế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro cho Hội viên, DN, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam.
Ngoài ra, Hội nghị cũng ghi nhận tham luận của một số Hội viên, DN. Công ty CP Cao su Bà Rịa – Kampong Thomnêu một số kiến nghị như cần áp dụng đồng bộ, thống nhất cơ chế chính sách thuế trong Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Campuchia, cần có cơ chế chính sách gia hạn thời gian thuê đất phù hợp với định hướng phát triển và hiệu quả về mặt đầu tư của các công ty cao su, cơ chế khuyến khích xuất khẩu đối với mặt hàng mủ cao su thành phẩm.