Hoạt động >> Hoạt động khác

Tham gia cuộc họp với Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp về xây dựng đề án Phát triển cây cao su Việt Nam

07/06/2023

Ngày 18/5/2023, đại diện văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã cùng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (Viện NCCSVN) đã tham dự cuộc họp với Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Viện Quy hoạch và TKNN) nhằm trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ việc xây dựng đề án “Phát triển cây cao su Việt Nam” – một hợp phần trong khuôn khổ đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030” cho sáu loại cây trồng: cà phê, cao su, tiêu, điều, chè, dừa. 


Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Trung – Viện trưởng Viện Quy hoạch và TKNN cho biết, việc xây dựng đề án là thực sự cần thiết nhằm khai thác tổng hợp, tối ưu tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Sau quá trình dự thảo, đến nay, nhóm nghiên cứu đang tích cực trao đổi với các bên trong ngành cao su nhằm hoàn thiện nội dung đề án phù hợp với thực tiễn.
Quang cảnh cuộc họp
Ông Lê Thanh Tú – Phó Tổng Giám đốc VRG nhận định, cao su đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là cây đa mục đích, có nhiều đóng góp về kinh tế - xã hội cũng như góp phần ổn định an sinh, biên phòng tại nhiều địa phương. Trong đó, VRG với vai trò là doanh nghiệp đầu ngành đóng góp nhiều công trình, tài liệu nghiên cứu, quy trình kỹ thuật được công nhận là tài liệu cấp quốc gia, không chỉ là nguồn tài nguyên hữu ích cho các đơn vị thành viên mà còn cho các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công trình trên chủ yếu được thực hiện với nguồn kinh phí của VRG và vẫn rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan Bộ, ngành. Đối với hoạt động phát triển bền vững, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó trưởng Ban Quản lý kỹ thuật VRG cho biết, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng diện tích được chứng nhận PEFC, hướng tới tái kết nối với FSC, VRG cũng đang nghiên cứu các mô hình nông lâm kết hợp cùng cây cao su. Đối với thách thức, đại diện VRG kiến nghị, mủ cao su được công nhận là sản phẩm chính của doanh nghiệp nên được tính thuế và được ưu đãi thuế, riêng gỗ cao su gọi là thu nhập bất thường, đề nghị xem mủ cao su và gỗ cao su hai sản phẩm chính của ngành.
Ông Phạm Hải Dương – Viện trưởng Viện NCCSVN cho biết, Viện và VRG đang phát triển một quỹ bảo tồn gen cao su, đây là công trình lớn và có giá trị bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học cho quốc gia. Về mặt khó khăn, cây cao su luôn phải cạnh tranh với việc đô thị hóa, công nghiệp hóa và cạnh tranh với một số cây trồng khác, Viện NCCSVN sẽ tiếp tục phối hợp với các bên trong việc nghiên cứu các giải pháp về khoa học kỹ thuật, phát triển bền vững, cơ cấu giống nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành. Về việc quy hoạch, các bên trong ngành cần phối hợp thực hiện theo sự phê duyệt của Chính phủ.
Về phía VRA, ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký giới thiệu các thông tin, báo cáo do Hiệp hội đã thực hiện làm nguồn tham khảo cho đề án. Với đề xuất của ngành, đề xuất Viện Quy hoạch và TKNN tham khảo thêm các báo cáo, kiến nghị đã được công bố tại các sự kiện Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững”, Đại hội nhiệm kỳ VI (2023 – 2028) do VRA tổ chức.

Văn phòng HHCSVN (Hương Giang) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>