Hoạt động

Tham dự Kỳ họp Ban Kỹ thuật Hợp đồng (TCCM) lần thứ 30 và Kỳ họp Ban Kinh tế & Thống kê (ESC) lần thứ 24 của Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC)

05/04/2024

Ngày 02/3/2024, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã tham dự Kỳ họp Ban Kỹ thuật Hợp đồng (TCCM) lần thứ 30 và Kỳ họp Ban Kinh tế & Thống kê lần thứ 24 của Hội đồng Doanh nghiệp Cao su Đông Nam Á (ARBC) theo hình thức trực tuyến. 


Cuộc họp có sự tham dự kết hợp trực tuyến và trực tiếp của các đại biểu từ những hiệp hội thành viên ARBC như Hiệp hội Phát triển Cao su Campuchia (ARDC), Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO), Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), Liên đoàn Các hiệp hội thương mại cao su Malaysia (FRTAM), Hiệp hội Cao su Thái Lan (TRA), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội Thương mại Cao su Singapore (RTAS) và Hiệp hội Các nhà sản xuất cao su Myanmar (MRPPA).

Kỳ họp TCCM lần thứ 30 đã thông qua biên bản của kỳ họp lần thứ 29. Bên cạnh đó, Ban Thư ký ARBC đã tổng hợp ý kiến của các hiệp hội thành viên về đề xuất điều chỉnh, bổ sung mà TRA phối hợp với Hiệp hội Latex Thái Lan (TLA) – đại diện cho nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về cao su ly tâm – đưa ra về dự thảo Hợp đồng chuẩn quốc tế của Hiệp hội Cao su quốc tế (IRA) đối với Cao su ly tâm hàng rời (Bulk Latex). Dự thảo cuối cùng sẽ được chuyển tới Cuộc họp của Ủy ban quản lý IRA – dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2024 – để xem xét và phê duyệt.
Đối với kỳ họp ESC lần thứ 24, các hiệp hội thành viên đã tham gia thảo luận về tình hình và triển vọng thị trường cao su trong thời gian tới. Theo MRE và FRTAM, Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) đang tiến hành xây dựng một số sáng kiến phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành cao su nước này. Malaysia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước sản xuất cao su lớn thông qua các nền tảng quốc tế nhằm đảm bảo cả chi phí sản xuất và tính bền vững đều trở thành yếu tố không thể thiếu đối với thương mại cao su. Giá cao su tại thị trường Kuala Lumpur năm 2024 được dự kiến sẽ cải thiện ở mức vừa phải, dựa trên thay đổi của cả xung lực tích cực lẫn tiêu cực. RTAS đánh giá, trong tương lai, tiêu thụ cao su thiên nhiên (CSTN) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi ngành ô tô đang phát triển nhanh chóng và nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm cao su như găng tay. Cả hai nước vẫn sẽ duy trì vị thế các nước nhập khẩu cao su thiên nhiên dẫn đầu. Ngoài ra, tiêu thụ CSTN tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục ở mức khả quan. Ở chiều ngược lại, TRA đánh giá triển vọng tăng trưởng ngành cao su năm 2024 sẽ chậm lại do các yếu tố liên quan đến kinh tế toàn cầu nói chung và Trung Quốc nói riêng, gây áp lực giảm giá cao su. Bên cạnh đó, Thái Lan được dự báo sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu thường xuyên và nghiêm trọng hơn, trong khi các doanh nghiệp Thái Lan sẽ phải đối mặt với thách thức trong quá trình thích ứng với các quy định nghiêm ngặt hơn về phát triển bền vững, bao gồm Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) và Luật chống phá rừng của châu Âu (EUDR).
Ở phần cuối buổi làm việc, các hiệp hội thành viên cũng xem xét, thảo luận về đề xuất sửa đổi Điều lệ ARBC và thảo luận về việc mời Hiệp hội Cao su Philippine (PRIA) tham gia dự thính các kỳ họp, sự kiện của ARBC trong tương lai.
Văn phòng HHCSVN (Hương Giang)

 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>