Tin tức

Lĩnh vực gỗ chiếm hơn 25% doanh thu, lợi nhuận VRG

02/02/2016

 Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành cao su năm 2015, lĩnh vực chế biến gỗ nổi lên là một điểm sáng với doanh thu lợi nhuận tăng trưởng khá lớn, chiếm hơn 25% toàn ngành, đứng thứ 2 trong 4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).


 Gỗ MDF chiếm 50% sản lượng toàn quốc

Theo Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân, doanh thu chế biến ở 12 công ty chế biến gỗ của VRG năm 2015 gần 4.500 tỷ, lợi nhuận gần 900 tỷ đồng (vượt 25% KH). Trong khi đó, doanh thu của VRG năm 2015 là 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Gỗ MDF chiếm tỷ trọng lớn nhất với 378.000 m³, lợi nhuận chiếm 98%, tập trung ở 2 đơn vị: VRG DongWha và MDF Quảng Trị.
Ông Phạm Văn Hỏi Em – Phó TGĐ Công ty CP VRG DongWha – cho biết: “Năm 2015, sản lượng của VRG DongWha là 365.000 m³ (đạt 103% KH), tiêu thụ 359.000m³ (đạt 101% KH), doanh thu 2.200 tỷ đồng (đạt 109% KH), lợi nhuận 780 tỷ đồng (đạt 134% KH), thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, nhà máy của Công ty đã chạy 125% công suất thiết kế”.
“Tháng 3/2016, Công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy thứ 2 với công suất 180.000 m³/năm với vốn đầu tư gần 66 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của Công ty lên 226 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng). Công ty tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp, thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường Châu Âu. Khi dây chuyền này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho 150 lao động chính thức và hàng trăm lao động gián tiếp. Đồng thời gia tăng hơn nữa giá trị phế phẩm của cây cao su và nộp ngân sách địa phương bình quân 250 tỷ đồng mỗi năm”, ông Em cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Minh Hùng – Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị – thông tin: “Năm 2015, sản lượng của Công ty là 77.500m³, tiêu thụ 74.600 m³, doanh thu 410 tỷ đồng, lợi nhuận 46 tỷ đồng, thu nhập người lao động 7,3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, Công ty sẽ đưa dây chuyền 2 vào hoạt động với công suất 145.000 m³”.
Ông Đặng Quang Trung – Trưởng Ban Công nghiệp VRG – nhận xét: “Trong những năm sắp tới, lĩnh vực chế biến gỗ tiếp tục sẽ đem lại lợi nhuận cao cho VRG. Trong đó, sản phẩm gỗ MDF của VRG chiếm trên 50% sản lượng gỗ MDF toàn quốc. Cụ thể, năm 2015 là 430.000 m³, năm 2016 là 530.000 m³, năm 2017 là 700.000 m³”.
Tăng cường sản phẩm gỗ tinh chế
Chủ trương ngay từ đầu năm của VRG sẽ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm gỗ tinh chế. Tuy nhiên, năm 2015, gỗ tinh chế của 12 xưởng, nhà máy chế biến gỗ của VRG chỉ đạt 11.800 m³. Trong khi đó, gỗ phôi lại có sản lượng là 314.000 m³. Trong đó Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An là đơn vị thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh sản xuất gỗ tinh chế. Gỗ tinh chế của Thuận An năm 2015 là 6.000 m³, chiếm trên 50% của VRG. Các đơn hàng gỗ tinh chế của Gỗ Thuận An rất nhiều, năm 2015 Công ty không làm hết đơn hàng.
Ông Nguyễn Văn Hãng – Phó Ban Kế hoạch Đầu tư VRG – nhận xét: “Theo tính toán, lợi nhuận sản phẩm gỗ phôi là 200.000 đồng/m³, cụ thể 1 cây cao su thanh lý thu lợi 40.000 đồng, mức sinh lợi chưa cao. Chính vì vậy, các đơn vị nên đầu tư công nghệ sản xuất gỗ tinh chế, tăng gấp 3 giá trị của sản phẩm. Đa số các đơn vị chỉ gia công theo đơn hàng, năm 2016, nên chọn sản phẩm chủ lực để xây dựng thương hiệu riêng”.
Gắn kết và hỗ trợ các đơn vị chế biến gỗ
Các công ty chế biến gỗ đều cho rằng, lãnh đạo VRG nên xem xét phân bổ vườn cây thanh lý (vùng nguyên liệu) gần với nhà máy chế biến để giảm giá thành cho các đơn vị. Như vậy sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Công ty CP VRG DongWha là đơn vị duy nhất có lợi thế gần vùng nguyên liệu, gần các đơn vị tiêu thụ, nên không tốn nhiều chi phí vận chuyển, bán hàng.
Bà Trần Thị Thúy Hoa – Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) – nhận định: “Năm 2015, VRA đã đẩy mạnh nghiên cứu, định hướng sản phẩm, tìm khách hàng cho các công ty chế biến gỗ và đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2016, VRA sẽ đẩy mạnh gắn kết các doanh nghiệp ngành gỗ với nhau và vận động người ngành cao su dùng sản phẩm ngành cao su. Hiện tại, sản lượng gỗ xuất khẩu của các đơn vị vẫn chiếm tỷ trọng thấp. Trong đó, MDF Quảng Trị xuất khẩu 28,5%, Gỗ Tây Ninh 20%, MDF DongWha 6,8%. Đa số các đơn vị đều tiêu thụ nội địa hoặc gia công sản phẩm”.
Theo bà Hoa, với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, các đơn vị ngành gỗ nên chú trọng sản phẩm thân thiện với môi trường, ít sử dụng hóa chất và nên phát triển theo hướng không dùng hóa chất, dòng sản phẩm bàn ghế dùng được ngoài trời sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ Châu Âu, Nhật Bản… Quý I năm 2016, VRA dự kiến sẽ phối hợp với VRG tổ chức hội thảo nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, hỗ trợ ngành gỗ đăng ký các chứng chỉ tương đương với FSC để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó TGĐ VRG – cho biết: “VRG đang kiến nghị Bộ Tài chính xem gỗ cao su là sản phẩm chứ không phải hàng thanh lý để hưởng các ưu đãi và giảm khấu hao. Bên cạnh đó, các công ty gỗ phải nỗ lực hơn nữa, phát huy tối đa công suất nhà máy chế biến, sắp xếp hợp lý tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, tăng cường công nghệ… Năm 2016, VRG tiếp tục chủ trương tăng sản phẩm gỗ tinh chế để tăng giá trị sản phẩm. VRG sẽ tích cực hỗ trợ các đơn vị nâng cao giá trị sản phẩm, thị trường tiêu thụ và gắn kết các đơn vị chế biến gỗ”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>