Tin tức

Thị trường cao su còn nhiều bấp bênh

10/08/2016

 Thị trường cao su thiên nhiên đã có những tín hiệu khả quan, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn khó lường trong 6 tháng cuối năm.


 Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên trong tháng 6/2016 ước đạt 82.839 tấn với giá trị khoảng 109,1 triệu USD, đơn giá bình quân 1.317 USD/ tấn. Tính cả 6 tháng đầu năm 2016, XK cao su thiên nhiên ước đạt 444.200 tấn với giá trị 551,4 triệu USD, đơn giá XK bình quân 1.241 USD/tấn.

So với cùng kỳ năm 2015, XK cao su thiên nhiên 6 tháng đầu năm tăng 7,3% về lượng, giảm 8,7% về giá trị, do giá giảm 14,8%. Trong nửa đầu năm 2016, Trung Quốc (TQ) tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của VN với 244.053 tấn, chiếm 54,9% tổng lượng XK (tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt 298,7 triệu USD (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là thị trường Malaysia 36.595 tấn, chiếm 8,2% (giảm 45,8%) và Ấn Độ đạt 34.947 tấn, chiếm 7,9% tổng lượng XK (tăng 8,4% so với cùng kỳ 2015).
Chưa thể lạc quan
Các dự báo mới nhất về những yếu tố ảnh hưởng tới thị trường cao su từ nay đến cuối năm và 2017, cho thấy giá cao su thiên nhiên sẽ còn bấp bênh, khó khăn – thuận lợi đan xen. Thông tin mới nhất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay giảm. Cụ thể, IMF cho rằng “cơn địa chấn” Brexit sẽ tác động mạnh đến bản thân nước Anh với tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 1,7% trong năm nay và 1,3% trong năm tới, giảm lần lượt 0,2% và 0,9% so với dự báo trước đó.
Nền kinh tế Hoa Kỳ được đánh giá không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự kiện Brexit, được dự báo đạt tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2,5% trong năm sau. Theo IMF, kinh tế Nhật Bản ước tăng 0,3% trong năm nay và tăng 0,1% trong năm tới. Triển vọng kinh tế của Trung Quốc có vẻ khả quan hơn khi IMF nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên 6,6%, tăng 0,1% so với dự báo trước.
Đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mặc dù IMF nâng mức dự báo tăng trưởng tại khu vực này lên 1,6% trong năm nay, song dự báo giảm xuống còn 1,4% trong năm 2017 do lòng tin người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể sụt giảm. Về thị trường dầu mỏ, Tổ chức các nước XK dầu mỏ (OPEC) dự báo tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu sẽ giảm hơn nữa trong năm nay và năm sau do các nước XK dầu mỏ bên ngoài Tổ chức này cắt giảm sản lượng, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Theo OPEC, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức 94,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày, trước khi tăng một mức tương tự lên 95,3 triệu thùng/ngày trong năm sau. Một tín hiệu lạc quan và đáng kỳ vọng là nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên có khả năng tăng ở hầu hết các nước lớn sử dụng mặt hàng này.
Tính đến cuối tháng 6, tồn kho cao su ở Thanh Đảo của Trung Quốc là 194.400 tấn, giảm 10% so với đầu tháng 6. Trong khi đó, sản xuất và doanh số bán xe ô tô đang tăng khá sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc tăng. Nhu cầu tiêu thụ cao su của thị trường Ấn Độ vẫn nhịp độ tăng khá, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.
Năm 2016, dự kiến nhu cầu tiêu thụ cao su của Ấn Độ vào khoảng 1 triệu tấn, trong khi khả năng đáp ứng của cao su nội địa chỉ đạt 50%. Tại Nhật Bản, dù kinh tế nước này tăng trưởng chậm nhưng cũng không có dấu hiệu suy thoái. Tình hình này có thể được cải thiện trong những tháng cuối năm, đưa nhu cầu tiêu thụ cao su tăng.
Về nguồn cung cao su, sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm 2016 khi các nước sản xuất cao su bước vào mùa thu hoạch cao điểm. Riêng tại Thái Lan, dự báo sản lượng cao su nước này sẽ giảm so năm 2015 do ảnh hưởng bởi nạn hạn hán. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Indonesia, Malaysia, Việt Nam…
Nhằm điều tiết thị trường và chặn đà giá cao su giảm, tháng 5 vừa qua, 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã thống nhất cắt giảm 615.000 tấn cao su XK. Thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 8 tới. Việc 3 nước này có tiếp tục đưa ra gói cắt giảm XK nữa hay không, sẽ có tác động nhất định tới thị trường.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>