Tin tức >> Tin cao su trong nước

Quảng Trị: Đẩy mạnh phát triển cây cao su tiểu điền

26/07/2016

 Ngày 30/12/2010, huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) ban hành Nghị quyết 02 “Về phát triển cao su tiểu điền vùng gò đồi giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, chuyển đổi mô hình từ kinh tế nghề rừng sang phát triển cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả kinh tế cao và lâu dài, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội vùng gò đồi, trong đó tập trung ở 2 xã Triệu Ái và Triệu Thượng. 


 Đây là hai xã có diện tích đất lớn, khá bằng phẳng, tầng canh tác dày, độ dốc thấp thích hợp với cây cao su. Phần lớn diện tích đất quy hoạch trồng cao su do hợp tác xã (HTX) quản lý nên việc phân lô giao hoặc cấp cho hộ dân thực hiện thuận lợi và tập trung. Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch quỹ đất trồng cao su của huyện đến 2015 là 2.050 ha, đến năm 2020 là 2.450 ha. Mặt khác, trước khi có Nghị quyết 02 của huyện ủy, toàn huyện Triệu Phong có 531,3 ha cây cao su chủ yếu trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp, trong đó xã Triệu Thượng có 276,6 ha, xã Triệu Ái 245,7 ha. 

Khai thác cao su tiểu điền trên vùng gò đồi Triệu Phong - Ảnh: PV
Sau khi có Nghị quyết của huyện ủy, từ 2011 – 2013, toàn huyện trồng mới được 338,9 ha, nâng tổng diện tích cây cao su lên 870,2 ha. Đến nay đã có 106,67 ha cho khai thác mủ, trong đó xã Triệu Ái 45 ha, xã Triệu Thượng 61,67 ha, và 278 ha đã đến kỳ khai thác nhưng do giá cả thấp và độ đồng đều chưa cao nên người dân chưa khai thác. Giá trị sản lượng mủ cao su năm 2015 đạt khoảng 6,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 160 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, khoảng 400 lao động dịch vụ và thời vụ. Vào thời điểm giá mủ cao như năm 2013, thu nhập từ cao su có hộ đạt 90 triệu đồng/năm, hộ thấp nhất 10 triệu đồng/năm. 

Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của huyện, hàng năm UBND huyện chỉ đạo các địa phương chuyển đổi đất rừng sản xuất, tạo điều kiện cấp phép khai thác rừng để đưa vào kế hoạch trồng cao su tiểu điền, nhất là các vùng đất trong quy hoạch. Rà soát đất rừng của các tổ chức, đơn vị sử dụng đất trên địa bàn, thông báo thu hồi 286 ha đất rừng của các tổ chức đơn vị giao cho UBND các xã quản lý, thực hiện. Đồng thời xây dựng phương án, đề xuất và đã được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất 290,7 ha. Từ các chương trình, dự án đầu tư của nhà nước, huyện đã xây dựng hệ thống giao thông, điện lưới ở vùng gò đồi tạo điều kiện cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý, khai thác cao su trên địa bàn cũng như phòng, chữa cháy, vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ cao su. Ngoài kinh phí hỗ trợ đo đạc, thiết kế quy hoạch và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện còn phân bổ ngân sách bù lãi suất 4%/năm trong thời gian 3 năm và hỗ trợ 50% giá giống cao su, tập huấn kỹ thuật cho nông dân về trồng, chăm sóc phòng trừ bệnh hại và kỹ thuật khai thác mủ cũng như hỗ trợ kinh phí trồng mới cao su cho các hộ trên địa bàn 2 xã Triệu Ái và Triệu Thượng. Phòng NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Triệu Phong giúp người dân vay nguồn vốn hỗ trợ lãi suất để phát triển cây cao su với tổng nguồn kinh phí từ năm 2010 – 2012 là 307,554 triệu đồng, trong đó hỗ trợ lãi suất cho 15 hộ là 61,647 triệu đồng, hỗ trợ thiết kế quy hoạch khoanh lô là 41,08 triệu đồng, hỗ trợ mua giống cho 37 hộ là 114,3 triệu đồng, hỗ trợ máy phun thuốc sâu 15 triệu đồng… 
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển cây cao su tiểu điền vẫn còn gặp một số khó khăn như cấp ủy, chính quyền cơ sở và một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện chủ trương trồng cao su tiểu điền. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch trồng cao su của các xã còn chậm. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tổ chức khai thác quản lý đất rừng để đưa vào quỹ đất trồng cao su còn nhiều lúng túng. Giải quyết tranh chấp, vi phạm về đất đai ở cơ sở còn kém hiệu quả nên một số diện tích đất phải bỏ trống không triển khai trồng cao su được. Tiến độ thực hiện đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm dẫn đến một số hộ trồng cao su chưa vay vốn được, chưa được hỗ trợ lãi suất. Do ảnh hưởng cơn bão số 13 và 14 cuối năm 2013 đã làm đổ gãy một số diện tích cao su thời kỳ khai thác gây tâm lý lo lắng cho người dân. Giá cả thị trường giảm thấp liên tục từ năm 2014 và năm 2015, nhất là giai đoạn cuối năm 2015 đã làm ảnh hưởng đến tâm lý và thất thu cho người dân trồng cao su… 

Sau khi xác định được nguyên nhân kết quả đạt được cũng như hạn chế tồn tại, dự báo tình hình giá mủ cao su sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, Triệu Phong tiếp tục chỉ đạo phát triển cây cao su tiểu điền, phấn đấu đến năm 2020 đạt 1.100 ha. Để đạt được kết quả này, trên cơ sở quy hoạch phát triển diện tích cây cao su từ nay đến năm 2020 của huyện, các xã tiến hành rà soát quỹ đất để đưa vào kế hoạch trồng cây cao su cho các năm còn lại một cách cụ thể, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó phải bảo vệ và duy trì diện tích cao su đã trồng, tránh tình trạng người dân chuyển qua trồng rừng, trồng cây khác vì lợi ích trước mắt. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, có kế hoạch quản lý sử dụng quỹ đất rừng từ các tổ chức, đơn vị bàn giao cho địa phương, đất rừng do HTX, cộng đồng quản lý, rừng trồng đến kỳ khai thác để tiến hành kiến thiết, phân lô giao đất trồng cao su đến tận hộ, nhóm hộ. Trong đó giao đất cho hộ có năng lực, không giao manh mún, ít nhất 0,5 ha/hộ; có biện pháp ngăn chặn tình trạng giao đất xong là bán hoặc tự ý trồng cây lâm nghiệp khác, không trồng cao su như đã xảy ra thời gian qua. Tiến hành đo đạc, lập bản đồ, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những nơi đủ điều kiện để nông dân có cơ sở vay vốn đầu tư và yên tâm sản xuất lâu dài. Tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các hộ trồng cao su tiểu điền về vốn vay, giống cây, về lãi suất. Ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và chính sách cho vay vốn tín dụng dài hạn và có thời gian cho vay ân hạn đến khi có sản phẩm mới tiến hành thu nợ. Đầu tư cơ sở vật chất cho vùng quy hoạch phát triển cao su như giao thông, cơ sở dịch vụ cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm cho nông dân, tạo điều kiện cho người sản xuất bán mủ nước thay cho bán mủ đông như hiện nay cùng nhiều giải pháp quan trọng khác như dạy nghề cho lao động nông thôn
, trong đó tập trung nghề trồng và khai thác cao su. UBND các xã Triệu Ái, Triệu Thượng trên cơ sở những nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây cao su đến năm 2020 đạt như kế hoạch đề ra. 
Nguyễn Vinh, nguồn: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=110340, ngày 22/7/2016 (TD trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>