Hoạt động >> Hỗ trợ Hội viên

Tham dự Hội thảo “Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch Covid-19”

10/07/2020

Ngày 18/6/2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) đã phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo “Một số lưu ý cho doanh nghiệp khi khôi phục hoạt động sau dịch Covid-19”. 


Tham gia Hội thảo có bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc ITPC, ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC, Luật sư Lê Thành Kính – Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên VIAC, Luật sư Lương Văn Lý – Cố vấn cao cấp Global Lawyers, Trọng tài viên VIAC và hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Vân cho biết việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện đang là xu hướng, trong đó, Việt Nam đang tham gia tích cực và sâu rộng với hơn 60 FTA trên 230 thị trường, chiếm tới 59% dân số thế giới, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu. Nội dung các FTA thế hệ mới hầu như bao gồm cam kết 100% các dòng thuế, lĩnh vực cam kết không chỉ giới hạn trong thương mại – dịch vụ mà còn mở rộng sang môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ, thể chế pháp lý,… Do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường mối quan hệ với các nước có ký kết FTA. FTA giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI từ các nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế khác, gia tăng tính ổn định, bền vững của kinh tế. Tuy nhiên, các FTA sẽ tạo cạnh tranh về thị trường và thu hút FDI, đồng thời đối mặt các thách thức chung như môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng từ đại dịch Covid,… Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một số thách thức nội tại như thiếu thông tin, năng lực vận hành, các rào cản và nguồn lực triển khai. Do vậy, để tận dụng hiệu quả các FTA, doanh nghiệp cần thực hiện nghiên cứu thông tin thị trường, cập nhật các yêu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, khảo sát thực tế, xây dựng đội ngũ nhân lực và công nghệ đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA và phòng tránh rủi ro.
Về các rủi ro pháp lý và phương pháp giải quyết tranh chấp bằng phương thức tố tụng trọng tài thương mại trong giai đoạn Covid-19, luật sư Lương Văn Lý cho biết hiện nay, dưới tác động của dịch Covid, các loại tranh chấp phổ biến bao gồm tranh chấp về hợp đồng thuê mặt bằng, mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, đặt phòng khách sạn, tổ chức tour du lịch, hợp đồng lao động. Nguyên nhân là do các bên gặp khó khăn hiện tại, suy giảm hoặc mất khả năng chi trả. Đây là sự cố đột biến, không lường trước được. Do đó, doanh nghiệp sẽ gặp 3 vướng mắc cơ bản. Một là, doanh nghiệp nên hoãn, thực hiện, điều chỉnh hay chấm dứt hợp đồng? Hai là, cơ sở pháp luật để giải quyết tranh chấp. Ba là, dịch bệnh là điều kiện “bất khả kháng” hay “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Nếu không quy định rõ dịch bệnh trong điều kiện về bất khả kháng thì khó nêu ra, còn nếu là hoàn cảnh thay đổi cơ bản phải giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Cũng tại Hội thảo, luật sư Lê Thành Kính đã chia sẽ các phương án mới nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào 2 vấn đề: thay đổi hình thức giao thương sang trực tuyến và tiếp tục hợp đồng với các đối tác cũ, thiết lập hợp đồng với các đối tác mới. Hiện nay, thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng trưởng toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%, chiếm tới 7,8 tỷ USD. Tuy nhiên nhân sự trong lĩnh vực này vẫn thiếu từ kỹ năng phục vụ giao dịch cho đến các kỹ năng sử dụng công cụ trên các sàn thương mại điện tử. Xu hướng kinh doanh online là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ và giúp doanh nghiệp tồn tại sau dịch. Để đối phó với hậu quả của dịch Covid-19, các doanh nghiệp cần tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng lớn, rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp đối tác, tạm ngừng hợp đồng hoặc chấp nhận hoãn thanh toán 1 – 3 tháng trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các bên. Đối với đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, không nên đưa thành tranh chấp pháp lý trừ những vụ việc xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (Hiền Bùi tổng hợp)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>