Tin tức >> Chính sách có liên quan

Tăng lương tối thiểu vùng: Không thể trì hoãn mãi

01/05/2022
6% là mức tăng chung cho lương tối thiểu vùng năm 2022 vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất áp dụng từ ngày 01/7/2022.

 


Sau 2 năm tạm hoãn, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng kể từ ngày 01/7 tới được nhận định là rất cần thiết bởi đảm bảo thu nhập đủ sống cho người lao động là yếu tố quan trọng để ổn định sản xuất, ổn định mối quan hệ giữa lao động và doanh nghiệp. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu đồng; vùng 3 đạt 3,64 triệu đồng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. Tức là thêm từ 180.000 260.000 đồng so với hiện nay.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm nay, khi tiến hành đàm phán, cả người lao động và doanh nghiệp đều trong tình trạng khó khăn sau những ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, quan điểm là không vì bên nào khó khăn mà trì hoãn việc tăng lương lâu thêm nữa. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Nếu để đến ngày 01/01/2023 thì thời gian điều chỉnh mức lương quá dài. Trong bối cảnh đời sống người lao động rất khó khăn, Tổng Liên đoàn kiên trì đề xuất áp dụng sớm. 01/7 là thời điểm mà doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và có bước phát triển nhất định, đồng thời sức chịu đựng của người lao động cũng đã đến ngưỡng giới hạn”.
Doanh nghiệp chuẩn bị phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 01/7
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp, tổ chức công đoàn ủng hộ việc tăng lương vào thời điểm ngày 01/7 bởi nếu xét kỹ, đây là lợi ích song phương khi có lợi cho cả 2 phía: người lao động và người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp cũng đang lên phương án để có thể thực hiện điều chỉnh lương nếu như đề xuất được Chính phủ thông qua. Với hàng trăm công nhân, nhiều doanh nghiệp cho biết tính toán, ngoài mức lương của người lao động tăng thêm, doanh nghiệp sẽ phải đóng thêm các khoản chi phí, các khoản trích nộp khác như phí bảo hiểm, phí công đoàn thêm vài chục triệu đồng nữa. Mức tăng này vẫn nằm trong khả năng cân đối của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, tỷ trọng điều chỉnh lương tối thiểu vùng lần này phải từ 10% trở lên, mới tương xứng với mong mỏi của người lao động nhưng việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng 6%, đã là sự chia sẻ với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tăng lương là bỏ ra một chi phí nhất định nhưng chi phí này chính là để đầu tư, tạo ra lợi nhuận mới. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi nghĩ việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết và cần thực hiện ngay để người lao động ổn định sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp. Điều chỉnh hợp lý, người lao động tăng thu nhập, họ sẽ làm việc năng suất hơn, tiết kiệm nguyên vật liệu hơn, tránh những sản phẩm hư hao. Đây không chỉ tốt cho người lao động mà còn là lợi ích của doanh nghiệp”.
Cần “tiếp sức” cho doanh nghiệp thực hiện tăng lương tối thiểu vùng
Tăng lương càng sớm càng tốt để nhanh chóng bù đắp, san sẻ khó khăn với người lao động – “trái tim” của hoạt động sản xuất. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, do thời điểm đề xuất áp dụng vào giữa năm thay vì đầu năm như thông lệ nên sẽ ảnh hưởng nhất định tới hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian đầu. Do đó, các chuyên gia cho rằng, nên tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ để tiếp sức, giảm áp lực cho doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động đến những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động bởi doanh nghiệp căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng, sau đó tăng lên từ 5 – 7% để xác định tiền lương cơ bản trả cho người lao động. Tiền lương được tính vào chi phí sản xuất và cân đối từ năm trước để chuẩn bị cho năm sau. Để không xáo trộn kế hoạch sản xuất, doanh nghiệp rất cần được tiếp sức bằng các chính sách, đặc biệt về vốn. Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Cần phối hợp với các tổ chức ngân hàng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thứ nhất là trả lương, thứ 2 là từ vốn đó doanh nghiệp có thể có động lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vấn đề vốn rất cần thiết với doanh nghiệp và cần sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức ngân hàng”.
Bên cạnh đó, trong chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động, doanh nghiệp phải đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội 17%, quỹ Bảo hiểm y tế 3%, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 1%, quỹ BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 0,5%. Việc tăng lương tối thiểu vùng, các khoản chi phí cho bảo hiểm, phí công đoàn… của doanh nghiệp cũng sẽ tăng.
Ông Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nhận định: “Để triển khai chính sách lương tối thiểu thì Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sớm như gia hạn hoặc miễn, giảm các loại thuế, phí, thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, duy trì và kéo dài chính sách liên quan đến người lao động như Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn”.
Ở góc độ người lao động, Công đoàn Các khu chế xuất – khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cùng người lao động nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến, giảm hư hao, tăng năng suất... Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất – khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi tham gia trong việc ký kết thoả ước lao động giữa tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động. Thoả thuận hợp lý, hài hoà thì lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người lao động”.
Các chuyên gia nhận định, tăng lương tối thiểu vùng không thể là giải pháp riêng rẽ. Cải thiện đời sống người lao động, nâng cao năng suất… cần nhiều chính sách song hành. Khi đó, việc tăng lương sẽ là động lực để người lao động cùng doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp cũng cho biết, các chính sách mà Chính phủ đang triển khai như miễn giảm thuế; miễn 1% chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp hay miễn 0,5 % chi phí đóng bảo hiểm tai nạn cho người lao động giống như “liều thuốc bổ” để doanh nghiệp khỏe mạnh hơn, đồng thời mong mỏi các chính sách này có thể kéo dài đến hết năm nay hoặc tới tháng 6/2023, để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay việc tăng lương cho người lao động sau hơn 2 năm “trễ hẹn”.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>