Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Kinh tế Đức đối mặt triển vọng ảm đạm trong những tháng tới

07/08/2023

Các Hiệp hội kinh tế hàng đầu ở Đức nhận định triển vọng của nền kinh tế nước này trong những tháng tới rất “ảm đạm”.
 


Các Hiệp hội kinh tế hàng đầu ở Đức nhận định triển vọng của nền kinh tế nước này trong những tháng tới rất “ảm đạm”, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm cho biết các chỉ số kinh tế quan trọng của nền kinh tế Đức đều có xu hướng đi xuống. Theo dự báo hiện tại của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Đức là nền kinh tế duy nhất trong số 22 quốc gia và khu vực được xem xét có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trong năm nay. Chủ tịch BDI cho rằng đây là điều đáng báo động đối với một cường quốc công nghiệp và xuất khẩu như Đức.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Frankfurt, Đức
ngày 01/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội thủ công Đức Jörg Dittrich cho rằng hầu hết các công ty Đức vẫn tiếp tục hoạt động nhưng đối mặt nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào sản xuất tăng do chi phí nguyên vật liệu cao hơn, lạm phát cao, lương của người lao động tăng và trên hết là các khoản đóng góp an sinh xã hội ngày càng tăng. Kết quả là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức bị ảnh hưởng lớn và triển vọng sản xuất kinh doanh của họ chịu áp lực. Ông Dittrich cho rằng nền kinh tế Đức còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như tình trạng quan liêu trong hệ thống chính trị, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cũng như một số quy trình, như trong việc lập và phê duyệt các kế hoạch, còn chậm chạp. Theo ông, nếu nước Đức không có biện pháp đối phó hiệu quả ngay từ bây giờ, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, thì nền kinh tế có nguy cơ sẽ còn gặp khó khăn trong thời gian dài.
Đồng tình với các quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội người sử dụng lao động Rainer Dulger nhận định nước Đức đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Nền kinh tế đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như lạm phát và chi phí năng lượng cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu lao động lành nghề, một số loại thuế cao và chi phí tiền lương tăng, quá trình số hóa và khử cácbon chậm chạp. Những điều này khiến tâm trạng của các doanh nghiệp ngày càng ảm đạm hơn. Ông Dulger cho rằng, để có thể tiếp tục là một trong những quốc gia công nghiệp hàng đầu, nước Đức cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Chính phủ Đức và cả hệ thống chính trị cần phải quyết liệt hành động để giúp nền kinh tế không lún sâu vào khủng hoảng.
Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), nền kinh tế suy yếu đang ảnh hưởng nhiều đến đến thị trường lao động và tiêu dùng. Trong tháng 7, số người thất nghiệp ở Đức đã tăng lên 2,617 triệu người, cao hơn 62.000 người so với tháng 6 và 147.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,7% trong tháng 7. Lạm phát vẫn ở mức cao cũng tiếp tục ảnh hưởng đến sức mua của người dân Đức. Số liệu của Destatis cho thấy doanh số bán lẻ thực tế nửa đầu năm 2023 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán lẻ thực tế trong lĩnh vực thực phẩm giảm 5,8%. Giá thực phẩm tăng mạnh là yếu tố chính dẫn tới doanh số bán hàng giảm, cũng là yếu tố thúc đẩy mạnh nhất khiến tỷ lệ lạm phát chung trong nửa đầu năm 2023 vẫn ở mức cao.

Vũ Tùng, nguồn: https://bnews.vn/kinh-te-duc-doi-mat-trien-vong-am-dam-trong-nhung-thang-toi/301476.html, ngày 01/8/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>