Tin tức >> Kinh tế thế giới có liên quan

Trước khi EUDR có hiệu lực: Doanh nghiệp cần gì?

31/07/2023

Lắng nghe ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để các nhà hoạch định có thể đưa ra chính sách phù hợp nhằm thực thi hiệu quả EUDR. 


Còn gần 18 tháng nữa, Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) sẽ có hiệu lực, trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, EUDR thể hiện trách nhiệm của EU đối với bảo vệ môi trường toàn cầu.  Thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt là El Nino đã gây khó khăn cho ngành cà phê Việt Nam về chất lượng và sản lượng. Hiện nay, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong khoảng 30 năm trở lại, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino. Làm tốt các quy định của EU cũng là cách thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê Việt Nam đối với môi trường. Từ sau năm 2000, Việt Nam phá rừng rất ít. Tổng diện tích trồng cà phê của Việt Nam là khoảng 680.000 ha, hầu hết đã trưởng thành và được bảo tồn khá tốt. Theo quy định của EU về chống phá rừng từ sau 31/12/2020, diện tích cũng khá ít vì đó là thời điểm đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Nam Hải phân tích. Trong 680.000 ha trồng cà phê, thị trường xuất khẩu sang 27 nước EU là 39% tổng kim ngạch xuất khẩu của cà phê của cả nước. Vì vậy, nếu thực hiện tốt thì đây là cơ hội để nâng thị phần cà phê Việt Nam sang EU.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê
– Ca cao Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.
Về khó khăn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu sản xuất bởi các hộ nông dân manh mún, nhỏ lẻ, do đó việc truy xuất nguồn gốc tận vườn là rất khó khăn. “Chúng ta cũng cần cảnh báo người nông dân, nếu không sẽ có hiện tượng người dân ở ven rừng có thể phá rừng trồng cà phê trong thời điểm giá cà phê cao như hiện nay”, ông Nam Hải nhấn mạnh. Để có các giải pháp phù hợp cho người sản xuất nhằm thực thi EUDR một cách hiệu quả, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, thứ nhất là làm thế nào các Bộ, ngành, địa phương chúng ta có một cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện cho truy xuất nguồn gốc cà phê tận vườn vì đây là điều rất khó khăn. “Chúng ta có thể khẳng định là trước thời điểm 31/12/2020, hầu như không có chuyện phá rừng để trồng cà phê, nhưng để chứng minh nguồn gốc theo yêu cầu của EU thì rất khó khăn. Cho nên đề nghị có sự hỗ trợ đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành cũng như các địa phương để giải quyết vấn đề này”, người đứng đầu Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nêu quan điểm.
Liên quan vấn đề này, ông cho rằng Việt Nam phải có bản đồ rừng chính xác ở thời điểm 31/12/2020 để xác định các vùng ít nguy cơ, vùng có nguy cơ và nhiều nguy cơ, để từ đó sàng lọc và truy xuất nguồn gốc tốt hơn trong thời gian tới. “Và khi chúng ta thực hiện EUDR cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một số bộ phận người nông dân, trong đó đặc biệt là nông dân ở ven rừng và gần rừng. Vì vậy cần Nhà nước và các Bộ, ngành địa phương có kế hoạch để hỗ trợ đời sống cho bà con trong thời gian triển khai quy định này”, một kiến nghị nữa được lãnh đạo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đưa ra.

Tùng Đinh – Quỳnh Chi, nguồn: https://nongnghiep.vn/truoc-khi-eudr-co-hieu-luc-doanh-nghiep-can-gi-d357431.html, ngày 26/7/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>