Theo số liệu được Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố ngày 15/11, doanh số bán lẻ của nước này vào tháng 10 đã giảm lần đầu tiên sau bảy tháng, dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang chậm lại và củng cố thêm kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ chấm dứt chính sách tăng lãi suất. Doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ đã giảm 0,1% trong tháng 10, trong khi số liệu của tháng Chín được điều chỉnh cao hơn với mức tăng trưởng 0,9%, thay vì mức tăng 0,7% được báo cáo trước đó.
Doanh thu tại các đại lý xe cơ giới và phụ tùng giảm 1,1%, được cho là do cuộc đình công của Nghiệp đoàn ô tô Hoa Kỳ (UAW) gần đây khiến nguồn cung hạn chế. Doanh số bán hàng của các cửa hàng nội thất giảm 2,0%, trong khi doanh thu tại các cửa hàng vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn giảm 0,3%. Doanh số của các cửa hàng tổng hợp cũng giảm 1,7%. Doanh số bán đồ thể thao, giải trí, nhạc cụ và sách giảm 0,8%.
Doanh số bán quần áo không thay đổi, trong khi doanh thu tại các cửa hàng điện tử và thiết bị tăng 0,6%. Doanh số bán hàng trực tuyến cũng tăng 0,2%, trong khi doanh thu từ dịch vụ ăn uống tăng 0,3%. Doanh thu cũng tăng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân cũng như tại các cửa hàng thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, theo số liệu được Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố cùng ngày 15/11, giá sản xuất của nước này đã bất ngờ giảm vào tháng 10 do giá xăng giảm, dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát đang dần được nới lỏng.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hoa Kỳ đã giảm 0,5% trong tháng 10, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Dữ liệu của tháng Chín cũng được điều chỉnh thấp hơn với PPI tăng 0,4%, thay vì 0,5% như báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 10, PPI của Hoa Kỳ đã tăng 1,3%, sau khi tăng 2,2% trong tháng Chín. Giá hàng hóa giảm 1,4% trong tháng 10, trong đó giá xăng giảm 15,3% chiếm hơn 80% mức giảm. Giá thực phẩm cũng giảm 0,2%. Loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, giá hàng hóa cốt lõi tăng 0,1% trong tháng 10, sau khi tăng 0,2% trong tháng 9.
Một trạm xăng ở Los Angeles, Hoa Kỳ.
Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dịch vụ không thay đổi, sau khi tăng 0,2% trong tháng Chín, trong khi giá vé máy bay tăng 3,1%. Chi phí chăm sóc bệnh nhân nội trú và ngoại trú cũng như vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ cũng tăng. Tuy nhiên, phí quản lý danh mục đầu tư và giá nhà nghỉ, khách sạn lại giảm. Loại bỏ các thành phần thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, PPI lõi đã tăng 0,1% trong tháng 10, sau khi tăng 0,3% trong tháng Chín. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 10, PPI lõi đã tăng 2,9%, sau khi tăng 3,0% trong tháng Chín.
Doanh số bán lẻ giảm cùng với số liệu được công bố ngày 14/11 về việc giá tiêu dùng không thay đổi trong tháng 10 là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại. Lạm phát hạ nhiệt cùng với tăng trưởng việc làm và tiền lương chậm lại đã củng cố kỳ vọng của các nhà kinh tế rằng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của FED đã kết thúc. Theo công cụ FEDWatch của CME Group, thị trường tài chính thậm chí còn dự đoán sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024.
Hồng Nguyên, nguồn: https://bnews.vn/kinh-te-my-ha-nhiet-trong-thang-10-2023/315194.html, ngày 16/11/2023 (TN trích dẫn)