Tin tức >> Kinh tế trong nước có liên quan

Hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp

27/11/2023

Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá các-bon, cụ thể là thị trường các-bon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường các-bon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp; hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp... 


Các chuyên gia thảo luận về xây dựng
thị trường các-bon. Ảnh: Việt Dũng
Ngày 23/11/2023, phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách với Việt Nam” do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0’’ vào năm 2050 nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính đã được cụ thể hóa theo lộ trình trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến giai đoạn 2050. Theo đó, ông Quang cho biết, Việt Nam đã xác định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; quản lý chất thải; các quá trình công nghiệp; lâm nghiệp, sử dụng đất, kèm theo đó là các chỉ tiêu. Cụ thể, đến năm 2030, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực năng lượng giảm 32,6% so với kịch bản phát thải triển thông thường và đến năm 2050, giảm giảm 91,6%. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất giảm, đến năm 2030, giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon và đến năm 2050, giảm 90% lượng phát thải, tăng 30% lượng hấp thụ các-bon.
Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài giải pháp chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng và áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải (như kinh tế tuần hoàn, công nghệ phát thải các-bon thấp), tăng diện tích trồng rừng để hấp thụ các-bon và các biện pháp khác (thu hồi và lưu trữ, chôn lấp các-bon). Tất cả các hoạt động này có thể tạo tín chỉ các-bon. Phát triển thị trường các-bon là một biện pháp gián tiếp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính…
Trong thị trường các-bon vận hành có 2 loại gồm trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon. Ông Quang cho biết đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các hệ thống hạn ngạch trao đổi phát thải khí nhà kính, công cụ định giá các-bon. Việt Nam đã xác định áp dụng công cụ định giá các-bon, cụ thể là thị trường các-bon tuân thủ nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường các-bon tại Việt Nam được phát triển sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước. Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Chính phủ đã ban hành lộ trình triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước, gồm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2027 sẽ tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025.
Cùng với đó xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; quy định nguyên tắc các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường cũng như việc tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước. Còn trong giai đoạn từ năm 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới, ông Quang cho biết. Trong khi thị trường các-bon mới trong giai đoạn xây dựng, trên thực tế các doanh nghiệp của Việt Nam đã trao đổi tín chỉ các-bon từ Việt Nam trên thị trường các-bon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ năm 2006; Cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Cơ chế Tiêu chuẩn các-bon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013…
Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ các-bon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới; là một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất (sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ). Riêng tín chỉ thu được từ các dự án CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Đồng thời, Việt Nam cũng đã triển khai một số các dự án hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian qua để chuẩn bị các bước cho việc xây dựng và phát triển thị trường các-bon trong nước. Từ năm 2015 đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam” nhằm tăng cường năng lực xây dựng, hình thành công cụ thị trường và xây dựng lộ trình tham gia thị trường các-bon trong nước và thế giới.
Tiếp nối các kết quả của dự án VNPMR, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ triển khai dự án “Triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam” để có thể thiết kế và triển khai trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon và hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo lộ trình đã quy định. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và tổ chức quốc tế đã cùng trao đổi thảo luận các vấn đề xây dựng thị trường các-bon và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng; các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong thúc đẩy xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam...

Độ Phong, nguồn: https://vneconomy.vn/huong-toi-phat-trien-nen-kinh-te-carbon-thap.htm, ngày 23/11/2023 (TN trích dẫn) 



Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>