Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Cập nhật tình hình bệnh rụng lá Pestalotiopsis tại các nước

14/12/2020

Trước tình hình bệnh rụng lá Pestalotiopsis tái bùng phát tại Thái Lan, Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển Cao su quốc tế (IRRDB) đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến ngày 04/12/2020 với sự tham gia của các chuyên gia bệnh cây tại các Viện nghiên cứu cao su hội viên nhằm cập nhật tình hình bệnh và các kết quả nghiên cứu về bệnh này.


 

Lá bệnh trong vườn cây (Indonesia)

Tại Indonesia, do dịch Covid-19 nên chưa thể thống kê diện tích cao su bị nhiễm bệnh, tuy nhiên theo đánh giá chung, tình hình bệnh năm nay ít nghiêm trọng hơn so với năm 2019. Các biện pháp chăm sóc và kiểm soát bệnh bao gồm: bón phân cho vườn cây, trong đó tăng cường phân N và K; phun thuốc lên tán cây và mặt đất để trị bệnh và tiêu diệt nguồn bệnh; làm cỏ trong vườn cây để hạn chế ẩm độ và loại bớt các ký chủ phụ, bước đầu cho thấy có hiệu quả. Kết quả phân lập, quan sát hình thái nấm, và phân tích sinh học phân tử đã phát hiện nhiều loài nấm Pestalotiopsis (Pestalotiopsis microspora, Pseudopestalotiopsis coccos, Neopestalotiopsis cubana, Pseudopestalotiopsis simitheae, Neopestalotiopsis, elipsospora) và Colletotrichum sp., tồn tại trên mẫu bệnh. Thử nghiệm tái lây nhiễm cho thấy Pestalotiopsis microspora cùng với Colletotrichum sp. là tác nhân gây bệnh tại Indonesia.
Tại Malaysia, diện tích cao su bị nhiễm bệnh tính đến tháng 10/2020 là 18.727 ha. Ngoại trừ bang Malacca, các bang trồng cao su còn lại đều có vườn cây trồng các dòng vô tính phổ biến bị nhiễm. Kết quả phân lập, khảo sát hình thái và phân tích sinh học phân tử cũng tìm thấy một số loài nấm Pestalotiopsis (Pseudopestalotiopsis theae, Pestalotiopsis microspora, Pestalotiopsis sp.) và Colletotrichum siamense trên mẫu bệnh. Thử nghiệm lây nhiễm trên lá cắt rời cho thấy nấm Colletotrichum siamense là tác nhân gây bệnh ban đầu và nấm Pestalotiopsis microspora là tác nhân thứ cấp.
Hiện trạng tán lá trên vườn cây cao su Indonesia
tốt hơn so với năm 2019
Tại Sri Lanka, tính đến nay đã có khoảng 20.000 ha bị nhiễm bệnh, tập trung ở vùng trồng cao su phía Tây Nam. Kết quả phân lập, khảo sát hình thái và phân tích sinh học phân tử cho thấy các loài Pestalotiopsis (Neopestalotiopsis formicarum, Neopestalotiopsis clavispora, Neopestalotiopsis saprophytica, Pseudopestalotiopsis simitheae,) chiếm 70%; các loài Colletotrichum (C. ti, C. cobbittiense, C. citri, C. aenigma, C. tropicale) chiếm 20%; và một số loài nấm khác (Neurospora sp., Lasiodiplodia mahajangana, Curvularia pisi, Nigrospora pyriformis) chiếm 10% trên mẫu bệnh. Thử nghiệm tái lây nhiễm cho thấy Colletotrichum và hỗn hợp Colletotrichum+Pestalotiopsis có khả năng lây nhiễm mạnh hơn Pestalotiopsis. Một số loại thuốc đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm theo phương pháp đầu độc môi trường, trong đó hexaconazole, mancozeb, captan có khả năng ức chế 2 loại nấm này.
Tại Ấn Độ, diện tích lây nhiễm cho đến nay vào khoảng 300 ha. Trong năm 2020 bệnh bắt đầu phát sinh vào cuối tháng 4 sau đó rụng lá vào tháng 7 và tháng 10 tại các vùng trồng cao su truyền thống. Bệnh tấn công lá già và các dòng vô tính phổ biến đều mẫn cảm với bệnh. Một số vùng ghi nhận bệnh rụng lá mùa mưa xảy ra cùng với bệnh này. Kết quả phân lập, khảo sát hình thái và phân tích sinh học phân tử cho thấy nấm Colettotrichum gleosporioides tồn tại trên mẫu bệnh. Thử nghiệm phun ngừa oxy clorua đồng + dầu khoáng bằng máy phun sương cho thấy có tác dụng hạn chế bệnh.
Tóm lại, những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy tác nhân gây ra bệnh này không phải chỉ là nấm Pestatotiopsis sp. mà còn có sự kết hợp tác động bởi nấm Colletotrichum sp. Các chuyên gia tại các nước có cao su bị nhiễm bệnh hiện đang tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh về dịch tể và phương pháp kiểm soát, khống chế bệnh này.
Nguyễn Anh Nghĩa (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam), nguồn: http://tapchicaosu.vn/2020/12/10/cap-nhat-tinh-hinh-benh-rung-la-pestalotiopsis-tai-cac-nuoc/, ngày 10/12/2020 (VQ trích dẫn)


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>