Tin tức >> Tin cao su ngoài nước

Kinh tế Trung Quốc khởi sắc trong quý I/2016

19/04/2016

 Kinh tế Trung Quốc quý I/2016 ổn định trở lại và tăng tốc trong tháng 3/2016 khi dòng tín dụng mới giúp khu vực bất động sản hồi phục.


 Tuy vậy, đây cũng là lý do khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu công bố sáng ngày 15/4/2016, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 6,7% trong quý I, nằm trong khoảng mục tiêu 6,5 – 7% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2016.
Tăng trưởng tín dụng, sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ trong tháng 3 đều tăng trưởng tốt hơn dự báo của các nhà phân tích.
Những dấu hiệu cho thấy sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) giảm tốc độ lộ trình nâng lãi suất đã hỗ trợ giá dầu thô, kim loại và chứng khoán toàn cầu.
Tao Dong – Phụ trách kinh tế châu Á tại Credit Suisse ở Hong Kong (ngoại trừ Nhật Bản) – nhận định, kinh tế Trung Quốc ổn định nhờ dòng thanh khoản và sự cải thiện tâm lý trên thị trường bất động sản. Hiện vẫn chưa rõ đà tăng này có bền vững hay không.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), tổng tài trợ vào nền kinh tế trong tháng 3/2016 đạt 2,34 nghìn tỷ Nhân dân tệ (360,7 tỷ USD) khi việc nới lỏng tiền tệ được thực hiện thông qua hệ thống tài chính.
Việc nới lỏng hoạt động tín dụng đã giúp doanh số bán nhà tăng 71% trong tháng 3/2016 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đầu tư vào bất động sản tăng 6,2% trong quý I/2016 so với cùng kỳ. Đầu tư tài sản cố định trong quý I/2016 tăng 10,7% khi lĩnh vực xây dựng hồi phục.
Sản lượng công nghiệp trong tháng 3/2016 tăng trưởng 6,8%, trong khi doanh số bán lẻ cũng tăng 10,5%.
Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ phụ thuộc vào công nghiệp nặng sang tiêu dùng và dịch vụ đang tạo ra những thay đổi căn bản trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngành truyền thông và các công ty công nghệ non trẻ bùng nổ, trong khi các ngành công nghiệp như than đá và thép lại lao đao. Chính phủ nước này đang cố gắng giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất ở các nhà máy công nghiệp nhưng phải đảm bảo không gây xáo trộn trong nền kinh tế cũng như cắt giảm quá nhiều việc làm.
Dù đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Trung Quốc chắc chắn vẫn phải tung thêm biện pháp kích thích kinh tế vì một số trụ cột như đầu tư của doanh nghiệp hay hoạt động xuất khẩu vẫn đang trì trệ.


Quay về

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Xem tất cả >>